Các nước từng 'quay lưng' với điện hạt nhân nay phải quay lại

Một số quốc gia từng 'nói không' với điện hạt nhân nay đã thay đổi quan điểm. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng không phát thải ngày càng cao.

 Nhật Bản tái khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa kép sóng thần, động đất năm 2011. Ảnh: Bloomberg.

Nhật Bản tái khởi động lại nhiều nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa kép sóng thần, động đất năm 2011. Ảnh: Bloomberg.

Sản lượng điện hạt nhân trên thế giới đã giảm một nửa trong những năm gần đây, từ 18% xuống chỉ còn 9%. Tuy nhiên, khi đứng trước mối lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu và an ninh năng lượng, một số quốc gia đã tái triển khai kế hoạch xây dựng cũng như khởi động các nhà máy điện hạt nhân, theo Bloomberg.

Từng "quay lưng" nay phải quay lại

Tại Nhật Bản, các nhà máy điện hạt nhân chịu thiệt hại nặng nề bởi thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 đang từng bước quay trở lại hoạt động.

Theo đó, lò phản ứng số 2 tại Nhà máy điện hạt nhân Onagawa - miền Đông Nhật Bản - đã được tái khởi động từ ngày 13/11.

Lò phản ứng này cũng đã vượt qua quá trình sàng lọc vào tháng 2/2020 theo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn, sau cuộc khủng hoảng Fukushima và đã nhận được sự đồng ý của địa phương để tiếp tục hoạt động.

Thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng đối với quốc gia này, khiến Nhật Bản khi đó từng tuyên bố chấm dứt khai thác nguồn năng lượng hạt nhân.

Thế nhưng, sau khoảng 13 năm, ngoài lò phản ứng số 2 tại Onagawa, hàng chục lò phản ứng tại 6 nhà máy điện hạt nhân ở miền Trung, miền Tây và Tây Nam Nhật Bản đã hoạt động trở lại sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn.

"Điện hạt nhân và năng lượng tái tạo là những nguồn điện quan trọng để thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí carbon. Chúng tôi sẽ tối ưu hóa việc sử dụng chúng trong điều kiện an toàn nghiêm ngặt cũng như đảm bảo nguồn cung ổn định", Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi chia sẻ, theo Nikkei.

Trong hơn một thập kỷ qua, Công ty điện lực Tohoku Electric Power luôn nỗ lực để hoàn thiện các công trình xây dựng nhằm tăng cường độ an toàn cho nhà máy điện hạt nhân, bao gồm xây dựng bức tường chắn thủy triều cao 29 mét.

Đồng thời, công ty cũng chú trọng nâng cấp khả năng chống động đất của các lò phản ứng.

Vào tháng trước, công ty đã nạp 560 cụm nhiên liệu vào lò phản ứng số 2 như một phần của quá trình chuẩn bị để khởi động lại lò phản ứng.

Tại châu Âu, Ba Lan cũng đã tiến hành xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung than đá.

 Ba Lan sẽ giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu than đá trong tương lai. Ảnh: Bloomberg.

Ba Lan sẽ giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu than đá trong tương lai. Ảnh: Bloomberg.

Theo đó, Ba Lan lựa chọn Tập đoàn điện lực Westinghouse Electric làm nhà thầu xây dựng cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia trên bờ biển Baltic. Dự kiến, chi phí xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia này ở mức 40 tỷ USD.

Chính quyền Warsaw đã có kế hoạch dành 1,2 tỷ USD ngân sách năm 2025 để bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này.

Đồng thời, Ba Lan cũng tiến đến việc tiếp tục phê duyệt xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân thứ hai và đang tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ khác.

Ông Andrzej Domanski, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ba Lan cho biết đất nước cần cả nguồn năng lượng tái tạo và hạt nhân nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí điện.

Vào đầu tháng 8, chính phủ nước này tuyên bố sẽ phải đảm bảo kế hoạch tài chính khoảng 14 tỷ USD cho dự án điện hạt nhân trong giai đoạn 2025-2030, trước khi nhận thêm nguồn tài trợ từ Mỹ và các quốc gia khác.

Dù vậy, Ba Lan cũng cần ít nhất khoảng 10 năm để có thể đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động chính thức.

Không dễ từ bỏ điện hạt nhân

Trong khi đó, tháng 4/2023, Đức đưa ra quyết định đóng 3 lò phản ứng hạt nhân cuối cùng dù đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng. Đến nay, toàn bộ lò phản ứng hạt nhân tại Đức đã chính thức ngừng hoạt động sau gần 6 thập kỷ.

Đáng chú ý, kế hoạch này đã được đưa ra từ 12 năm trước bởi cựu Thủ tướng Angela Merkel, sau thảm họa hạt nhân Fukushima.

Thế nhưng, phe đối lập của bà Merkel đặt ra nhiều hoài nghi về động thái này, trong bối cảnh quốc gia đang dần loại bỏ nhiên liệu than và kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện khí bị trì hoãn.

Về phía Tập đoàn năng lượng E.ON SE và RWE AG, cả 2 “ông lớn” ngành năng lượng Đức đều bác bỏ về khả năng tiếp tục hoạt động các nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, trong một bài báo về năng lượng từng được công bố, Đảng Bảo thủ nước này đang đánh giá mức độ khả thi của kế hoạch tái khởi động nhà máy trong trường hợp có sự cân đối hợp lý về mặt chi phí kỹ thuật và tài chính.

Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-nuoc-tung-quay-lung-voi-dien-hat-nhan-nay-phai-quay-lai-post1512384.html
Zalo