Các nước áp dụng chính sách gì để ngăn chặn biến thể Omicron?
Tiêm mũi tăng cường, phong tỏa, áp quy định hạn chế - đó là cách thức mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để đối phó với biến thể Omicron.
Bước sang năm 2022, thế giới chính thức bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19. Nhiều nước đang phải đối mặt với tình trạng bùng phát các ca nhiễm mới do biến thể Omicron gây ra. Dưới đây là những biện pháp được các nước áp dụng nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.
Tiêm mũi tăng cường, mũi nhắc lại: Là một trong những nước đi tiên phong trong chiến dịch tiêm chủng vaccine, Israel một lần nữa lại đặt cược vào tiêm chủng. Israel là nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư để đối phó với Omicron.
Giai đoạn đầu, chỉ những người có hệ miễn dịch suy giảm mới thuộc nhóm tiêm mũi thứ tư. Nhưng kể từ ngày 2/1, tất cả người trên 60 tuổi và nhân viên y tế đều đủ điều kiện để tiêm nhắc mũi thứ tư.
Năm 2021, Israel là nước đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường. Với những dữ liệu mới về hiệu lực của mũi thứ tư, sẽ có thêm nhiều nước xem xét áp dụng biện pháp của Israel.
Phong tỏa diện rộng: Đi đầu là Hà Lan và Áo. Để kiểm soát lây nhiễm Omicron, chính phủ Hà Lan hồi tháng 12 vừa qua đã áp dụng phong tỏa trên phạm vi toàn quốc. Tất cả các doanh nghiệp thuộc diện không thiết yếu đều được lệnh đóng cửa đến ngày 14/1. Trường học cũng đóng cửa cho tới ngày 9/1.
Biện pháp này ảnh hưởng đến kỳ nghỉ lễ dịp Giáng sinh, đón Năm mới và gặp phải phản ứng của người dân. Trong cuộc tuần hành phản kháng ngày 2/1, hàng nghìn người đã tụ tập tại Amsterdam để phản đối lệnh phong tỏa.
Trước Hà Lan, Áo cũng đã thực thi phong tỏa toàn quốc trong ba tuần, bắt đầu từ ngày 22/11/2021. Biện pháp này giúp giảm số ca nhiễm mới. Hiện tại, lệnh phong tỏa chỉ áp dụng đối với nhóm đối tượng chưa tiêm vaccine. Những người này chỉ được phép rời khỏi nhà để tham gia các hoạt động cần thiết, như đi mua đồ thiết yếu, thăm khám bác sĩ.
Siết chặt quy định nhập cảnh: Nhật Bản và Thái Lan là hai nước ở châu Á sớm siết chặt quy định nhập cảnh để kiểm soát lây nhiễm Omicron. Động thái này diễn ra trong bối cảnh đa phần các nước châu Á chưa lâm vào tình cảnh bùng phát các ca nhiễm với Omicron là biến thể chủ đạo, nhưng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Omicron. Ấn Độ trong vài ngày gần đây ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trở lại.
Nhật Bản là nước áp quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất, cấm gần như toàn bộ du khách nước ngoài nhập cảnh. Tại Thái Lan, nước mà ngành du lịch chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế và cũng là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch, người nước ngoài vẫn được phép nhập cảnh, nhưng phải chịu quy định cách ly. Chính phủ Thái Lan tạm thời bãi bỏ chương trình “Test & Go" (miễn trừ cách ly với khách nhập cảnh đến từ một số nước đã tiêm đủ liều vaccine).
Cách ly gây tranh cãi: Sau dịp lễ hội Giáng sinh, đón năm mới, Đức đã triển khai quy định hạn chế mới về tụ tập đông người và cấm tổ chức các sự kiện lớn nhằm sẵn sàng đối phó với nguy cơ về làn sóng lây nhiễm Omicron.
Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn đang thảo luận trong nội bộ về việc có rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày với người dương tính với COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 hay không. Giới chuyên gia lo ngại về gánh nặng đối với hạ tầng thiết yếu như y tế, cảnh sát, cứu hỏa nếu như có quá nhiều người cùng cách ly cùng một thời điểm.
Đức có thể sẽ tham khảo cách mà Pháp và Tây Ban Nha áp dụng, giảm thời hạn cách ly xuống còn từ 7-10 ngày. Tại Pháp, điều chỉnh về cách ly này chỉ áp dụng với người tiêm vaccine và số này có thể rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 5 ngày nếu có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính.
Thông điệp thiếu nhất quán từ Mỹ: Trong khi Đức xem xét rút ngắn thời gian cách ly thì Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ lại tính toán tăng thời hạn này. Hiện tại, những người nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ được yêu cầu cách ly 5 ngày, một quyết định gặp phải phản ứng từ giới chuyên gia.
Những người chỉ trích cho rằng quy định cập nhật cách ly 5 ngày của CDC chỉ quá chú trọng đến yêu cầu duy trì lực lượng lao động cho nền kinh tế mà xem nhẹ yếu tố sức khỏe. Cách ly ngắn 5 ngày có thể dẫn tới thực trạng người dân đi làm trong khi vẫn đang mang mầm bệnh.