Các nội dung liên quan đến hình phạt tử hình nhận được sự quan tâm đặc biệt

Các nội dung liên quan đến đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành đã nhận được sự quan tâm, góp ý của các đại biểu dự Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự về các nội dung liên quan đến hình phạt tử hình; Dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi); Dự án Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tổ chức, sáng 17/4.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Bà Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất bỏ 8/18 tội danh có hình phạt tử hình thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, bảo vệ quyền con người, nhất là quyền được sống và phù hợp với xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Hòa cho rằng, khoản 3 Điều 141 (tội hiếp dâm) hình phạt cao nhất là tù chung thân, khoản 4, Điều 141 phạm tội với người từ 16 tuổi đến 18 tuổi thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. So với khoản 3, Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi) hình phạt tối đa là tử hình thì quá nghiêm khắc. Bà Trương Thị Hòa đề nghị bỏ án tử hình đối với tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại Điều 142 mà thay vào đó hình phạt cao nhất là mức án tù chung thân, không xét giảm án cũng là một biện pháp cách ly vĩnh viễn với xã hội.

Cùng cho rằng việc hạn chế, giảm bớt hình phạt án tử hình là một việc làm cần thiết, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, bảo vệ quyền con người của pháp luật Việt Nam; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và phát triển pháp lý hiện đại, nhưng bà Đậu Ngọc Quyên, Văn phòng Luật sư Soseono Legal lại không đồng ý bỏ án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo bà Đậu Ngọc Quyên, tội phạm này liên quan đến sức khỏe cộng đồng, gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tính mạng của nhiều người, nhất là trong giai đoạn họ cần thuốc để cứu chữa; các nhóm buôn bán thuốc giả có thể mang tính chất có tổ chức và gây thiệt hại lớn, làm suy yếu niềm tin của người dân vào hệ thống y tế và thuốc chữa bệnh. Hành vi buôn bán thuốc giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, trực tiếp tước đi sức khỏe và tính mạng người dân một cách từ từ và ở giai đoạn khó khăn về sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, việc duy trì hình phạt tử hình có thể tạo tác dụng răn đe mạnh mẽ đối với những những kẻ thực hiện hành vi này.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng, thực tế khoảng một nửa quốc gia trên thế giới không áp dụng án tử hình trong hệ thống hình phạt. Việc thu hẹp phạm vi, tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống hình phạt là xu thế tất yếu của Việt Nam, phù hợp với thế giới.

Đại diện Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đồng ý với Dự thảo về việc bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành; đồng ý việc bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 2 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình để vừa đảm bảo tính nhân đạo, vừa phù hợp với thực tiễn.

Cơ bản nhất trí với Dự thảo luật, nhưng bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong số các tội danh được đề nghị hủy bỏ hình phạt tử hình có một số tội danh nằm trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia - một lĩnh vực rất quan trọng và nhạy cảm.

Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng cho rằng, Dự thảo được xây dựng trên cơ cấu thực tế của ngành công an hiện nay là bỏ cơ quan công an cấp huyện và chuyển chức năng, nhiệm vụ về cấp xã. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, cơ quan điều tra hình sự, tổ chức của cơ quan điều tra hình sự phải đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Theo đại diện Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, sẽ hợp lý hơn khi chờ sửa Hiến pháp, điều chỉnh lại bộ máy hành chính, thống nhất chủ trương về các cơ quan tiến hành tố tụng; sau khi có Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thì sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cac-noi-dung-lien-quan-den-hinh-phat-tu-hinh-nhan-duoc-su-quan-tam-dac-biet-20250417135601299.htm
Zalo