Các nhóm ngành hưởng lợi ở giai đoạn đầu triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Theo Chứng khoán Yuanta, ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là khoảng 29,1 tỷ USD. Các nhóm ngành hưởng lợi ở giai đoạn này bao gồm: Sắt thép; vật liệu xây dựng khác; nhà thầu xây dựng; xây dựng điện, thiết bị điện; ngân hàng cho vay,...
Sớm đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam 350km/h
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 9/2024), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc – Nam. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư Dự án.
Được biết, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dài 1.541km, dự kiến hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035. Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.
Tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM). Sẽ có tổng cộng 23 ga dừng và 5 khu bảo dưỡng sửa chữa tàu để đảm bảo an toàn cho tàu và hành khách.
Về lộ trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024. Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 - 2026.
Đến cuối năm 2027, các đơn vị sẽ triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh. Sau đó, khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Chứng khoán Yuanta nói gì về tổng mức đầu tư Dự án?
Theo thông tin được công bố trước đó, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là khoảng 29,1 tỷ USD, cụ thể: Đất thu hồi và tái định cư (1,2 tỷ USD); xây dựng (14 tỷ USD); đường ray (2,6 tỷ USD); hệ thống tín hiệu điều khiển (1,2 tỷ USD); hệ thống điện (1,5 tỷ USD); toa xe/tàu (1,4 tỷ USD); tòa nhà/trạm (0,6 tỷ USD); các chi phí khác (3,8 tỷ USD).
Theo Chứng khoán Yuanta, ở giai đoạn 1, các ngành được hưởng lợi bao gồm: Sắt thép (21,5 tỷ USD); vật liệu xây dựng khác (14,6 tỷ USD); nhà thầu xây dựng (14,0 tỷ USD); xây dựng điện, thiết bị điện (2,6 tỷ USD); ngân hàng cho vay (17,5 tỷ USD) và các công ty đường sắt (không xác định).
"Sắt thép là nhóm hưởng lợi nhất vì Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước. Sắt thép cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho dự án. Yuanta khuyến nghị ưu tiên HPG nhờ lợi thế thép HRC và Dung Quất 2 giúp mở rộng năng lực sản xuất", đại diện Chứng khoán Yuanta nêu quan điểm.