Các nhà thầu phải có tinh thần trách nhiệm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong việc triển khai thực hiện các dự án, công trình
Sáng ngày 10/1, tại UBND tỉnh đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để nghe đơn vị chức năng có liên quan báo cáo về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm và tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Điều hành các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; cùng lãnh đạo các địa phương, các nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã và đang triển khai các dự án trọng điểm, gồm: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Theo đó, dự án có tổng số 4 gói thầu xây lắp; tổng giá trị thực hiện trên 1.545/8.092 tỷ đồng, đạt 19,1% giá trị hợp đồng. Nhìn chung các bước triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đề ra và cơ bản đảm bảo yêu cầu theo ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm tỉnh tại các kỳ họp. Tuy nhiên, việc triển khai dự án còn chậm, do công tác giải phóng mặt bằng (còn vướng mặt bằng vài hộ); các gói thầu xây lắp khối lượng thực hiện chưa nhiều; nhu cầu khối lượng cát phục vụ dự án là rất lớn, khoảng 6,6 triệu m3; về tổng thể thì đến nay mới chỉ có 4 mỏ cung cấp cát cho Dự án với khối lượng tối đa đến tháng 6/2025 (là thời điểm dự kiến kết thúc gia tải) là 1,8 triệu m3/6,6 triệu m3 cát (thiếu 4,8 triệu m3) và do việc di dời các công trình điện còn chậm.
Đối với Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây với 2 gói thầu xây lắp; giá trị thực hiện đạt khoảng 1.231,9 tỷ đồng/1.487,4 tỷ đồng (không bao gồm chi phí dự phòng), đạt tỷ lệ tương ứng 83% giá trị hợp đồng. Lũy kế vốn bố trí từ đầu dự án đến nay trên 1.589 tỷ đồng, giải ngân trên 1.403 tỷ đồng đạt 88,3% kế hoạch. Về khó khăn thì trong thời gian vừa qua cũng như hiện tại, nguồn vật liệu đá cấp phối và đá dăm dùng để thi công láng nhựa mặt đường trên thị trường khan hiếm, giá tăng cao, một số nhà thầu gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang triển khai các công trình trọng điểm, như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Theo đó, cầu Đại Ngãi 2 cơ bản đã hoàn thành kết cấu phần dưới, hoàn thành thi công khối đúc hẫng, lao lắp nhịp dầm Super-T; đang triển khai công thi công các khối hợp long và đã hợp long vào ngày 5/1/2025. Đối với Cảng biển Sóc Trăng đã lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng và kế hoạch triển khai đầu tư Bến cảng Trần Đề thuộc Cảng biển Sóc Trăng. Các bước đề xuất thực hiện theo quy hoạch nêu trên thì Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành triển khai cụ thể theo quy định.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công thì đến 31/12/2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công triển khai trong năm 2024 (gồm kế hoạch vốn được giao năm 2024 và kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài) trên 7.850,9 tỷ đồng. Phân theo nguồn vốn thì kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao trên 6.912,5 tỷ đồng, tính đến 31/12/2024 giải ngân trên 5.430,5 tỷ đồng, đạt 78,563% kế hoạch; kế hoạch vốn tỉnh giao bổ sung năm 2024 trên 286,2 tỷ đồng, giải ngân trên 140,6 tỷ đồng, đạt 49,14% kế hoạch; kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 trên 652 tỷ đồng, giải ngân trên 607 tỷ đồng, đạt 93,1% kế hoạch. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn năm 2025 và kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thì các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt đầy đủ vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra…
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng và ổn định các công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải nhìn nhận thực tế về tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm để từ đó đề ra các giải pháp thi công thật cụ thể, thật chi tiết để bàn giải pháp khắc phục các khó khăn, hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công đáp ứng theo yêu cầu đề ra. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đề nghị các nhà thầu phải xây dựng lại tiến độ thi công tổng thể, tiến độ thi công chi tiết của từng công trình dự án; phải đẩy nhanh, mở mới các khu mỏ cát để tính toán các phương tiện khai thác cát cung cấp cho công trường nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nguyên vật liệu về cát, đá; sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, phải giải quyết được bài toán di dời hạ tầng kỹ thuật về trụ điện.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn đề nghị các nhà thầu phải có tinh thần trách nhiệm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong việc triển khai thực hiện các dự án, công trình. Do đó đề nghị từ nay đến 30/6/2025 phải giải quyết dứt điểm khó khăn về nguồn cát (cát biển, cát sông); phải triển khai tất cả các cầu, đường công vụ, đào đất hữu cơ… trên tuyến cao tốc. Do đó, yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương tập kết nhân sự, thiết bị, vật tư, tận dụng thời tiết thuận lợi vào mùa khô để đẩy nhanh tiến độ công trình theo kế hoạch. Chủ đầu tư các công trình, dự án phải thường xuyên tổ chức kiểm tra tiến độ từng nhà thầu, từng gói thầu (hằng tuần), có biện pháp xử lý cương quyết đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu tiến độ, chất lượng đề ra. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải quyết liệt vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các công trình, dự án do đơn vị, địa phương thực hiện hoặc có liên quan. Phấn đấu đến hết niên độ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch được giao.