Các nhà sản xuất vũ khí châu Âu thắng đậm khi ông Trump tái xuất Nhà Trắng
Trong khi phần lớn châu Âu cảm thấy lo lắng về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền thì các nhà sản xuất vũ khí tại lục địa già dường như có cảm xúc ngược lại.
Có thể thấy được tương lai đầy hứa hẹn đối với ngành công nghiệp sản xuất vũ khí tại lục địa già. Điều này cũng giải thích tại sao ngành công nghiệp vũ khí châu Âu lại chào đón sự tái xuất của ông Trump.
Dư địa cho các nhà sản xuất vũ khí
Trong trường hợp Mỹ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và để châu Âu tự hành động, châu lục này sẽ phải dựa vào các công ty vũ khí của riêng mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống Trump không đưa ra các chính sách mới cho mối quan hệ với châu Âu, với quy mô khổng lồ của mức chi tiêu quốc phòng tại khu vực vẫn tạo nhiều dư địa cho các nhà sản xuất vũ khí. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần chi 500 tỷ Euro cho quốc phòng trong thập kỷ tới.
Với việc châu Âu gia tăng ngân sách cho quốc phòng, người hưởng lợi trước tiên có khả năng là Mỹ.
Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và Hàng không châu Âu (ASD) Jan Pie nhận định: "Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu khó có thể trang trải tất cả, nhất là sau hàng thập kỷ thiếu đầu tư làm suy yếu năng lực quốc phòng của khu vực".
Ông Jan Pie chỉ ra rằng châu Âu cần phải đảo ngược xu hướng này, bởi việc mua vũ khí của các nhà cung cấp ngoài châu Âu sẽ khiến ngành công nghiệp quốc phòng tại lục địa già tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư, dần đánh mất bí quyết công nghệ và các kỹ năng chuyên môn liên quan.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), khoảng 55% vũ khí nhập khẩu tại châu Âu giai đoạn 2019-2023 là từ Mỹ, tăng mạnh so với 35% của giai đoạn trước đó.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI Pieter Wezeman dự báo sẽ có sự tăng trưởng về khối lượng vũ khí Mỹ nhập khẩu vào châu Âu trong những năm tới. Ông cũng phân tích các thỏa thuận vũ khí này không phải là hệ quả của mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump mà là một cuộc chạy đua vũ trang sau sự kiện xung đột Nga-Ukraine.
Xu hướng đó có thể thay đổi theo hướng có lợi cho Washington hơn nữa nếu các quốc gia EU cố gắng "lấy lòng" ông Trump bằng cách ký nhiều hợp đồng vũ khí hơn với các công ty Mỹ.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết: "Chúng tôi không biết nhiều về ý định của ông Trump, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các quốc gia, đặc biệt là ở phía Đông, sẽ mua ngày càng nhiều hàng hóa của Mỹ".
Tuy nhiên, vẫn còn đó những nghi ngờ xuất phát chủ yếu từ cách mà Tổng thống Donald Trump sẽ hành động trong nhiệm kỳ này. Theo quan điểm của ông Christian Mölling, thành viên của Quỹ Bertelsmann, khả năng răn đe trong quan hệ quốc tế là một cuộc chơi trí tuệ, không phải là một cuộc chạy đua về vũ khí. Ông cũng đặt ra câu hỏi về việc các quốc gia liệu có thể "mua" được sự hỗ trợ của Mỹ bằng việc mua vũ khí của nước này hay không.
Hiện tại, các công ty vũ khí Mỹ đang "ăn nên làm ra" nhờ các sản phẩm quốc phòng như máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35A Lightning II, trực thăng AH-64 Apache, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng Abrams có mặt trong kho vũ khí của các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu cũng không hề thua kém khi các quốc gia EU hiện đại hóa quân đội, mua sắm vũ khí từ chính các nhà sản xuất trong khu vực.
Ba Lan năm ngoái đã chi 1,5 tỷ Euro cho hàng nghìn khẩu súng trường Carl Gustaf M4 và hàng trăm nghìn đạn dược nhập khẩu từ Thụy Điển. Năm 2023, nước này đã mua máy bay cảnh báo sớm Saab 340. Warsaw cũng đang cân nhắc mua máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon, được sản xuất bởi tập đoàn Airbus, BAE Systems và Leonardo, để hiện đại hóa lực lượng không quân. Ngoài ra, khoảng 15 quốc gia châu Âu chuẩn bị mua F-35A, trong khi Eurofighter Typhoon đang xem xét việc bán hàng mới cho Đức, Italy và Tây Ban Nha.
Về phía Tổng thống Donald Trump, có thể nhận thấy ông muốn chi tiêu quốc phòng của các đồng minh tăng mạnh trong thời gian tới. Trong số 32 thành viên NATO, hiện có 24 nước đáp ứng mục tiêu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Mặc dù vậy, ông Trump đang thúc đẩy tăng con số này lên 5% - mức mà hiện tại chỉ có Ba Lan gần đạt được và Lithuania cam kết sẽ đạt được trong tương lai. Giám đốc điều hành của công ty sản xuất vũ khí Đức Rheinmetall Armin Papperger đánh giá: “Áp lực mà ông Trump tạo ra hiện nay rất tốt cho châu Âu”.
Xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng từng bước vững chắc
Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu sẽ hưởng lợi lớn khi châu Âu tăng chi ngân sách quốc phòng, nhưng thực tế là mức cung mà các nhà sản xuất của khu vực này có thể đáp ứng còn giới hạn.
Các quan chức quốc phòng nhấn mạnh, trước mắt châu Âu vẫn rất cần nguồn cung vũ khí từ Mỹ, thừa nhận sự vượt bậc của ngành công nghiệp quân sự của Mỹ khi có thể cung cấp những thiết bị mà châu lục này không thể cung cấp một cách tối ưu.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) vào đầu tháng Một, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi EP đẩy nhanh việc nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Bởi vì việc mua bán với Mỹ cần thông qua ý kiến Quốc hội, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Lầu Năm Góc..., sẽ cần một quy trình dài trước khi có thể tiếp cận đến Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.
Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng muốn bảo đảm rằng một phần đáng kể khoản chi tiêu bổ sung này sẽ dành cho các công ty nội địa.
Để thúc đẩy sản xuất trong khu vực, cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi đã kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác về nhu cầu và nâng tỷ lệ chi tiêu quốc phòng chung. Ông Mario Draghi nhấn mạnh: “Khi chi tiêu quốc phòng EU tăng lên, việc củng cố công nghiệp, tích hợp và đổi mới công nghệ quốc phòng cần được hỗ trợ bằng nguyên tắc ưu tiên mua sắm từ các công ty châu Âu, bảo đảm rằng một phần đáng kể nhu cầu gia tăng này sẽ tập trung vào các công ty nội địa thay vì chảy ra nước ngoài”.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson: “Càng xây dựng được một châu Âu thống nhất với các tiêu chuẩn và mua sắm chung, chúng ta càng dễ đạt được một ngành công nghiệp quốc phòng quy mô lớn.”
Dù quy mô của các công ty Mỹ rất lớn, châu Âu vẫn có những "ông lớn" đáng gờm. Từ hai chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, dự án Pháp-Đức nghiên cứu xe tăng mới, chương trình phát triển tàu hộ tống hải quân, hệ thống phòng không SAMP/T của Pháp-Italy cho đến hàng tỷ Euro đầu tư vào công nghệ máy bay không người lái (UAV), các công ty châu Âu hy vọng tiếp tục giành được nhiều hợp đồng lớn trong bối cảnh lục địa này tăng cường chi tiêu quốc phòng.