Các nhà mạng tại Hà Nội 'ế' khách đổi công nghệ lên 4G trước 'giờ G'

Hơn 600.000 khách hàng chưa chuyển đổi từ 2G lên 4G chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa nên tại Hà Nội, các nhà mạng 'ế khách' thực hiện dịch vụ này trước 'giờ G'.

Các nhà mạng "ế khách" chuyển đổi

Từ ngày mai 16/10 các nhà mạng như Viettel, Vinaphone và MobiFone sẽ tắt sóng 2G, đồng nghĩa, hết ngày hôm nay 15/10, các máy điện thoại sử dụng công nghệ 2G sẽ bị khóa 2 chiều, không thể sử dụng được.

Không có khách hàng nào đến chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G tại chi nhánh Viettel số 277-279 Hồ Tùng Mậu từ 8h đến 9h sáng 15/10.

Không có khách hàng nào đến chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G tại chi nhánh Viettel số 277-279 Hồ Tùng Mậu từ 8h đến 9h sáng 15/10.

Thông tin từ các nhà mạng trước đó cho thấy, khách hàng sử dụng điện thoại công nghệ 2G hay thường được gọi là máy "cục gạch" sẽ được đổi máy miễn phí trước ngày 16/10. Viettel, Vinaphone và MobiFone đều cam kết hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng 1% số thuê bao trên toàn quốc chưa chuyển đổi máy điện thoại lên công nghệ 4G theo xu thế.

Sáng 15/10, theo khảo sát của PV Báo Giao thông, một số điểm giao dịch của Viettel không có khách hàng nào đến "lên đời công nghệ". Các khách hàng chủ yếu đến để đăng ký sim mới hoặc làm lại sim cho điện thoại thông minh.

"Từ sáng đến giờ không có khách hàng nào đến chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G, do chúng tôi đã công bố rộng rãi và thông báo cho khách hàng từ nhiều tháng trước", chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ bán hàng chi nhánh Viettel tại địa chỉ 279 đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết.

Một số chi nhánh khác của Viettel tại địa chỉ 57 Vũ Thạnh; 498 Xã Đàn; 219 Tôn Đức Thắng; hay 45C Giảng Võ đều không ghi nhận khách hàng nào đến chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G trong buổi sáng 15/10.

Tương tự, tại trụ sở chính của nhà mạng VNPT địa chỉ 57 Huỳnh Thúc Kháng, trong suốt một giờ đồng hồ sáng 15/10, không ghi nhận khách hàng nào giao dịch liên quan đến chủ đề công nghệ 2G trong sáng 15/10.

"Hiện không có khách hàng nào đến đây để chuyển đổi", chị Vũ Hồng Nhung, cán bộ của Vinaphone tại số 57 Huỳnh Thúc Kháng trả lời khi được hỏi về một số vị khách đang ngồi giao dịch tại địa chỉ này.

Trong khi đó, địa điểm giao dịch của Vinaphone tại số 5 Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội chỉ có khách hàng đến mua sim điện thoại mới, hoặc giải quyết một số thủ tục khác. Tại chi nhánh này, Vinaphone sử dụng cả loa công suất lớn để thông báo về chương trình chuyển đổi từ công nghệ 2G lên 4G cũng như thời điểm tắt sóng (16/10) từ nhiều ngày qua.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại cửa hàng MobiFone tại số 432 đường Hồ Tùng Mậu, phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm...

Từ mai, điện thoại "cục gạch" có mất liên lạc?

Qua khảo sát, khu vực Hà Nội không còn nhiều khách hàng còn sử dụng công nghệ 2G trước giờ "G". Trên thực tế, chỉ còn một số ít người cao tuổi còn sử dụng điện thoại "cục gạch" để liên lạc vì tiết diện phím bấm số lớn, lại có cả âm thanh đọc số dễ sử dụng. Nhưng nhiều chiếc điện thoại "cục gạch" trong số đó cũng đã có công nghệ 4G.

Theo đại diện của Vinaphone, phần lớn khách hàng của nhà mạng này chưa chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G là ở vùng sâu, vùng xa.

Theo đại diện của Vinaphone, phần lớn khách hàng của nhà mạng này chưa chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G là ở vùng sâu, vùng xa.

Trong thời gian qua, các nhà mạng sử dụng nhiều giải pháp để thông báo cho khách hàng về việc chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G trước thời điểm 16/9 và sau đó là 16/10. Nếu là những khách hàng ở thành phố, phần lớn trong số họ đã đến các nhà mạng để đổi máy. Đó cũng là lý do đã có hơn 17 triệu thuê bao thực hiện chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G kể từ tháng 1/2024 đến nay.

Theo đại diện của Vinaphone - đơn vị vẫn còn khoảng 150.000 thuê bao chưa chuyển đổi lên 4G trước ngày 11/10, phần lớn các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận, nên chưa nắm được kế hoạch tắt sóng 2G cũng như việc buộc phải chuyển đổi lên 4G. Sau ngày 15/10, Vinaphone sẽ tắt sóng theo Thông tư 10/2024/TT-BTTTT và nhóm khách hàng này buộc phải chuyển đổi lên công nghệ 4G mới có thể tiếp tục liên lạc.

Đó cũng là nhận định của ông Đỗ Mạnh Dũng, Quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone về hiện trạng số lượng khách hàng chưa chuyển đổi lên công nghệ 4G của nhà mạng này. Theo ông Dũng, đó là nhóm người ít dùng dịch vụ di động, khi nhà mạng liên lạc cũng không nghe máy. Nhóm khách hàng này cũng có tâm lý vẫn sử dụng được nên chưa đổi máy. Bên cạnh đó, một số tỉnh miền núi phía Bắc phải chịu thiệt hại nặng nề vì bão số 3 Yagi và đây cũng là nguyên nhân khiến Vinaphone có khoảng 150.000 khách hàng chưa chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G.

Trước mắt, đối với nhóm khách hàng chưa chuyển đổi công nghệ 2G lên 4G, các nhà mạng tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ như thực hiện ít nhất 5 cuộc gọi thông báo về việc dừng công nghệ 2G. Tần suất nhắn tin thông báo cho khách hàng cũng được tăng lên 2 ngày/lần.

Ngoài ra, đối với thuê bao chưa chuyển đổi lên 4G, khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên trong ngày sẽ có âm thông báo để khách hàng biết cần chuyển đổi sang máy 4G. Nhà mạng cũng hỗ trợ cú pháp nhắn tin miễn phí để khách hàng biết máy của mình có thuộc diện cần chuyển đổi từ 2G lên 4G hay không, vì không phải người dân nào cũng hiểu các khái niệm viễn thông.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phong Nhã, phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cũng khuyến khích các nhà mạng có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. "Sau ngày 15/10, trách nhiệm của các nhà mạng là duy trì số điện thoại, gói cước, chế độ chính sách với thuê bao cũ để khách hàng có thể tiếp tục đến các điểm cung cấp dịch vụ để chuyển đổi lên công nghệ G", ông Nhã nói.

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cac-nha-mang-tai-ha-noi-e-khach-doi-cong-nghe-len-4g-truoc-gio-g-192241015133234601.htm
Zalo