Các nhà lập pháp Mỹ bác dự luật ngân sách của đảng Cộng hòa
Ngày 18/9, các nhà lập pháp Mỹ đã bác dự luật ngân sách do đảng Cộng hòa đề xuất trong bối cảnh nội bộ đảng này chia rẽ nghiêm trọng.
Dự luật bị hủy bỏ với tỷ lệ 220 - 202, trong đó có một số phiếu phản đối từ chính các thành viên của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, thành viên cấp cao của Ủy ban Phân bổ Hạ viện Rosa DeLauro cho rằng: "Một lần nữa, đa số đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản nhất của mình". Bà cũng lưu ý rằng các nhà lập pháp chỉ còn 7 ngày làm việc để duy trì hoạt động của chính phủ.
Ngân sách chính phủ dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 9 và Quốc hội Mỹ cần một dự luật tạm thời để tài trợ cho các hoạt động của chính phủ sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Hiện các đảng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về ngân sách cả năm.
Dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất sẽ lùi thời hạn đóng cửa chính phủ sang tháng 3/2025 (thời hạn hiện nay là 30/9/2024) và đi kèm với yêu cầu chứng minh quyền công dân để đăng ký bỏ phiếu, nhằm gây sức ép với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ lo ngại rằng dự luật này có thể ngăn cản các cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu.
Việc chính phủ ngừng hoạt động có thể dẫn đến đóng cửa các cơ quan liên bang và công viên quốc gia, hạn chế các dịch vụ công và khiến hàng triệu nhân công tạm nghỉ việc và không được trả lương chỉ vài tuần trước bầu cử.
Tháng 3 năm nay, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden đã ký ban hành luật cấp ngân sách với số tiền 1.200 tỷ USD để đảm bảo Chính phủ Mỹ có ngân sách hoạt động tới cuối năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 9/2024 cũng như để ngăn chặn nguy cơ chính phủ nước này phải đóng cửa một phần.
Lần gần đây nhất, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần là vào cuối năm 2018 khi ông Donald Trump còn làm Tổng thống.