Các nhà đầu tư châu Á tìm kiếm tài sản có thể đối phó căng thẳng thương mại
Một số lựa chọn của các nhà đầu tư gồm công ty công nghệ tiềm năng của Trung Quốc (như DeepSeek), những cổ phiếu có lãi suất cao tại Singapore, Australia và các quốc gia có thị trường nội địa mạnh.
![Biểu tượng mô hình trí tuệ nhân tạo Deepseek. (Ảnh: Reuters)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_293_51432780/6f61eba6d0e839b660f9.jpg)
Biểu tượng mô hình trí tuệ nhân tạo Deepseek. (Ảnh: Reuters)
Các biện pháp áp thuế quan mạnh tay và sự thay đổi chính sách liên tục từ chính quyền mới của Mỹ đang tạo ra thách thức lớn cho các nhà quản lý quỹ đầu tư châu Á. Đó là làm thế nào để bảo vệ danh mục đầu tư trước những biến động khó lường của thị trường.
Hàng loạt thông báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những tuần đầu nhiệm kỳ nhắm vào nhiều quốc gia như Canada, Mexico và Trung Quốc đã gây xáo trộn trên thị trường tài chính, từ trái phiếu kho bạc đến dầu mỏ và bitcoin. Điều này khiến việc lựa chọn đầu tư dựa trên các yếu tố cơ bản dài hạn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Để ứng phó với sự biến động này, các nhà đầu tư châu Á đang tìm kiếm những tài sản có khả năng đối phó trước diễn biến căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng.
Một số lựa chọn của các nhà đầu tư bao gồm các công ty công nghệ tiềm năng của Trung Quốc (như DeepSeek), những cổ phiếu có lãi suất cao tại Singapore, Australia và các quốc gia có thị trường nội địa mạnh mẽ, cũng như trái phiếu Chính phủ Ấn Độ.
Chuyên gia cao cấp Joanne Goh tại DBS Bank Ltd. ở Singapore nhận định rằng "Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng. DeepSeek đã khơi dậy sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ đầy triển vọng của Trung Quốc."
Còn chuyên gia Sat Duhra tại Janus Henderson Investors ở Singapore cho biết: "Trong bối cảnh thị trường biến động hiện nay, chúng tôi ưu tiên các thị trường Singapore và Australia vì mang lại lợi nhuận cao và có tính đa dạng trong giao dịch." Chuyên gia này cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, các nhà quản lý tiền tệ lại có quan điểm rằng một chiến lược khác để giảm rủi ro thuế quan là đầu tư vào các quốc gia có thị trường nội địa lớn và ít phụ thuộc vào xuất khẩu.
Giám đốc điều hành (CEO) Manish Bhargava của Straits Investment Management ở Singapore cho biết, Ấn Độ và Indonesia đều có thị trường nội địa lớn, có quỹ đạo tăng trưởng ít bị ảnh hưởng bởi biến động thương mại quốc tế, nhờ đó có khả năng phục hồi tốt hơn.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), xuất khẩu của Ấn Độ chiếm khoảng 21,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023, trong khi xuất khẩu của Indonesia là 21,8%.
Trong khi đó, tỷ lệ này của thế giới là 29,3%, còn Singapore - một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại, có tỷ lệ hơn 170%. Những số liệu này cho thấy Ấn Độ và Indonesia có thị trường nội địa lớn và ít bị ảnh hưởng bởi các biến động thương mại toàn cầu hơn.
Ấn Độ cũng cung cấp một loại tài sản khác có tiềm năng bảo vệ nhà đầu tư khỏi các tranh chấp thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng là trái phiếu chính phủ.
Giám đốc Murray Collis tại Manulife Investment Management ở Singapore nhận định rằng 'Nợ của quốc gia này có vẻ hấp dẫn trong trung hạn nhờ nền tảng kinh tế vững chắc và lãi suất thực hấp dẫn. Ông cũng chỉ ra rằng Mỹ ít có khả năng áp thuế quan đối với Ấn Độ do thâm hụt thương mại của Ấn Độ thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp cho thấy trái phiếu Chính phủ Ấn Độ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng 6,8% trong năm 2024, vượt xa mức tăng 2% của toàn thị trường mới nổi.
Ông Louis Luo, Giám đốc giải pháp đầu tư đa tài sản khu vực Greater China tại abrdn plc ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết: "Chiến lược của chúng tôi là chuẩn bị cho những biến động lớn hơn." Ông cũng nhận định rằng chu kỳ "leo thang, trả đũa, đàm phán và giảm leo thang" sẽ liên tục tạo ra nhiều biến động trong thời gian tới./.