Các nhà cung cấp hóa chất cho ngành bán dẫn tại Đài Loan đặt cược lớn vào thị trường châu Âu

Các nhà sản xuất chip ở châu Á đang đặt cược lớn vào châu u và đang xây dựng các nhà máy lớn trên khắp lục địa. Do đó, các nhà cung cấp chất liệu cho ngành bán dẫn Đài Loan đang ấp ủ một kế hoạch mới tập trung vào châu Âu…

Vincent Liu, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LCY Group, nhà cung cấp chất tẩy rửa và dung môi cho Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch đầu tư vào Đức và thị trường châu Âu sẽ là mục tiêu của chúng tôi”.

Ba nhà cung cấp hóa chất khác của Đài Loan cũng cho biết họ đang xem xét đầu tư vào châu Âu. Những kế hoạch này cho thấy nỗ lực của chính phủ trên khắp thế giới nhằm khôi phục hoạt động sản xuất chip và bảo vệ chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng khỏi căng thẳng địa chính trị và những gián đoạn khác.

CHUỖI CUNG ỨNG HÓA CHẤT CỦA CHÂU ÂU KHÔNG ĐỦ ĐÁP ỨNG NHU CẦU

Ông Liu cho biết quy trình sản xuất của các nhà sản xuất chip châu Âu hiện trở nên kém hiệu quả và chuỗi cung ứng của họ bị suy giảm do phụ thuộc nhiều năm vào các ngành công nghiệp trưởng thành.

Ông nói: “Các công ty như Infineon – nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức không sử dụng hóa chất chất lượng vì năng lực của các nhà cung cấp của họ không đủ. Họ không nhận thức được vai trò của các loại hóa chất tiên tiến có thể giúp họ nâng cao năng suất”.

Các nhà sản xuất chip toàn cầu đang nỗ lực xây dựng nhà máy ở châu Âu, tận dụng các khoản trợ cấp theo Đạo luật chip châu Âu, nhằm huy động 43 tỷ euro đầu tư cho ngành.

Ngoài ra, TSMC đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chế tạo trị giá hơn 10 tỷ euro tại Dresden, Đức với sự hợp tác của các nhà sản xuất chip châu Âu Infineon và NXP và nhà cung cấp ô tô Bosch. Công ty dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2027.

Intel đã cam kết đầu tư 30 tỷ euro vào hai nhà máy bán dẫn tiên tiến ở Magdeburg, phía tây bắc Dresden, và nhà sản xuất chip theo hợp đồng đa quốc gia GlobalFoundries. Ngoài ra, công ty chip châu Âu STMicroelectronics đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 5,7 tỷ euro ở Pháp .

Nhưng theo các chuyên gia trong ngành, chuỗi cung ứng hóa chất của châu Âu không đủ để hỗ trợ công suất tăng mạnh như vậy.

Giám đốc điều hành của một công ty hóa dầu châu Âu cho biết: “Châu Âu đã không tăng trưởng về năng lực trong hơn một thập kỷ”, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả các nhà sản xuất chip trên lục địa này đều sử dụng công nghệ trưởng thành với cổng bán dẫn rộng 28 nanomet trở lên. Tuy nhiên, những con chip tiên tiến nhất hiện nay đang được sản xuất có kích thước 10nm hoặc nhỏ hơn.

Ông chia sẻ thêm: “Hệ sinh thái và chất lượng đầu ra của các nhà sản xuất hóa chất hoàn toàn không hướng đến việc cung cấp các công nghệ tiên tiến như nhà máy của TSMC ở Dresden hoặc Intel ở Magdeburg nhắm tới”.

THÁCH THỨC CỦA CÁC NHÀ SẢN XUẤT CHIP TẠI CHÂU ÂU

Giám đốc điều hành TSMC Mark Liu hồi tháng 6 cho biết những lỗ hổng trong hệ sinh thái cung cấp chip của châu Âu là một trong những “điều chúng tôi lo lắng nhất”. Nhưng ông tiết lộ thêm rằng chính phủ Đức đã hứa sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

GlobalFoundries cho biết các công ty sản xuất chip ở châu Âu lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung cần thiết cho hoạt động sản xuất. Công ty cho biết: “Để đảm bảo cung cấp lượng nhiên vật liệu lớn cho các nhà máy, chính phủ các quốc gia tại Châu Âu cần nỗ lực hơn”.

Mark Liu cho biết thêm, axit sunfuric – chất hóa học mà các nhà sản xuất chip sử dụng với số lượng lớn để làm sạch và khắc phải nhập khẩu từ châu Á vì ở chất lượng tại châu Âu không phù hợp, trong khi cồn isopropyl để làm sạch wafer trong quá trình sản xuất chip thường xuyên bị thiếu hụt tại châu Âu.

Sau nhiều thập kỷ tập trung sản xuất chip tiên tiến ở Đông Á, LCY và Tokuyama của Nhật Bản là những công ty duy nhất sản xuất hóa chất cho chất bán dẫn tiên tiến nhất. Tokuyama cho biết họ có thể coi châu Âu là thị trường tiềm năng trong 10 đến 20 năm tới, nhưng châu Á là trọng tâm duy nhất của họ trong thời gian tới.

Ông Liu của LCY đã đến thăm Đức hai tuần trước để vận động chính phủ hỗ trợ cho các công ty chuỗi cung ứng chip. Ông cho biết Infineon và các nhà sản xuất chip châu Âu khác trước đây thiếu động lực để hiện đại hóa quy trình sản xuất vì họ tạo ra phần lớn lợi nhuận từ việc thiết kế chip.

Giám đốc điều hành hóa chất châu Âu cho biết “Châu Âu ngày nay là khu vực nhập khẩu ròng các loại hóa chất điện tử quan trọng. Thay đổi điều này để trở nên cạnh tranh là một thách thức lâu dài và tốn kém đòi hỏi nhiều chi phí vốn ở châu Âu.”

Infineon đã không trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của nhà máy Dresden của TSMC đến hiệu quả sản xuất hoặc chuỗi cung ứng của họ. Ineos cho biết họ đang tích cực phát triển các hóa chất có độ tinh khiết cực cao và “tiếp tục tái đầu tư vào các cơ sở sản xuất của mình tại Herne và Moers để phục vụ nhu cầu khách hàng hiện tại và tương lai trong ngành bán dẫn cả trong nước và toàn cầu”.

Nguyễn Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-nha-cung-cap-hoa-chat-cho-nganh-ban-dan-tai-dai-loan-dat-cuoc-lon-vao-thi-truong-chau-au.htm
Zalo