Các nghị sĩ Ba Lan, Baltic kêu gọi EU ngừng nhập khẩu LNG của Nga từ 2027
Người đứng đầu Ủy ban phụ trách các vấn đề EU của quốc hội các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan mới đây đã gửi thư kêu gọi EU ngừng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga kể từ năm 2027.
Trong bức thư chung đề cập vấn đề LNG của Nga, đại diện các nước nhấn mạnh đã đạt được những kết quả đáng chú ý, trong đó các quốc gia thành viên EU đã thể hiện sự thống nhất và đoàn kết trong việc loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt từ Nga trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Tuy nhiên, hiện nay mục tiêu loại bỏ mọi hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027 đã đi chệch hướng thể hiện rất rõ là sự gia tăng nhập khẩu LNG từ Nga thay vì giảm đi. EU vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga nếu tiếp tục mua LNG từ nước này và điều này sẽ làm suy yếu sự thống nhất của EU và làm giảm lòng tin của công chúng.
Các nghị sĩ kêu gọi Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, các quốc gia thành viên EU hành động khẩn cấp để đạt được mục tiêu do Ủy ban châu Âu đặt ra và thực thi thời hạn ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga từ 1 tháng 1 năm 2027.
Nội dung bức thư cũng nêu rõ quyết định ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga phải là một cam kết dài hạn. EU cần tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường mối quan hệ với các nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy từ các khu vực khác như Trung Á, Trung Đông, Mỹ và Na Uy nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và đa dạng. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư ở cấp độ Liên minh châu Âu vào phát triển các công nghệ năng lượng mới, chú trọng vào các nguồn năng lượng sạch. Điều này sẽ tăng cường an ninh năng lượng, tạo ra các giải pháp bền vững lâu dài và thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của các ngành công nghiệp châu Âu. Việc dừng nhập khẩu LNG từ Nga sẽ thúc đẩy sự thống nhất trong các biện pháp của EU đối với Nga, thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ và tăng cường an ninh trong khu vực.
So với cùng kỳ năm 2023, khối lượng khí đốt tự nhiên của Nga xuất khẩu qua đường ống sang các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 24%. Theo giới chuyên gia, EU khó có thể dừng nhập khẩu LNG của Nga trong ngắn hạn bởi những bất đồng về quan điểm sử dụng khí đốt của các quốc gia thành viên EU. Trong khi các nước Bắc Âu và Baltic đã kêu gọi lệnh cấm nhập khẩu thì Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha - những nước nhập khẩu LNG của Nga lớn nhất hiện nay trong EU- lại cho rằng không thể thực hiện được do những lo ngại về nguy cơ an ninh năng lượng khi chưa thể tìm được nguồn thay thế phù hợp.