Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo
Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.
Các nghệ sĩ tiếp tay cho gian dối
Tận dụng sự nổi tiếng của mình, những năm gần đây, không ít các nghệ sĩ, người nổi tiếng, tiktoker đã xuất hiện dày đặc trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… mà không bị bất kỳ sự kiểm duyệt nào và các sản phẩm đó cũng không được kiểm chứng về chất lượng của các cơ quan chức năng.
Những nghệ sĩ nổi tiếng như H.V, V.H, V.D, T.H, C.T, Q.K, Đ.T, Q.L, K.T.L, N.T, K.M.T… được nhiều doanh nghiệp “ưu ái” mời quảng cáo sản phẩm. Để tăng độ tin cậy, nhiều nghệ sĩ còn tương tác, sử dụng sản phẩm khi livestream. Điều đáng nói, không ít trường hợp nghệ sĩ, KOLs đã “thổi phồng” quá lố công dụng, hoặc lãi cao dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật.
Theo đó, tại kênh Youtube “Shioka - Dứt điểm U xơ - U nang” đăng tải video diễn viên T.H chia sẻ về Shioka; diễn viên V.D cảm ơn Shioka đăng tải vào tháng 01/2021; kênh Youtube “Viên Sủi Tiêu U Shioka” đăng tải video nghệ sĩ H.V chia sẻ về viên sủi Shioka đăng tải tháng 10/2020; tại fanpage Facebook Shioka - đặc trị u nang, u xơ tử cung” có đăng tải một video với nội dung chia sẻ của NSND H.V, kèm theo dòng chữ: “Sạch u xơ, u nang, u vú… công nghệ Nhật nhanh gấp 50 lần không mổ”. Nhiều khán giả yêu thích các nữ diễn viên này đã đi mua viên sủi và tá hỏa mình bị… lừa. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có kết luận: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka mà một số trang mạng và clip đang quảng cáo, có nội dung vi phạm, nói không đúng về công dụng của sản phẩm… Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka với những công dụng quảng cáo không đúng sự thật và vi phạm trên các trang mạng nêu trên.
M.P.T và H.G cũng quay video quảng cáo cho một thực phẩm chức năng với công dụng giảm cân. Trong video, M.P.T dành những lời có cánh cho sản phẩm như: “Chỉ sau 3 tuần, những vùng hay tích mỡ như nọng cằm, bắp tay, bụng, sau đùi giảm rất rõ rệt. Hơn nữa, khi sử dụng sản phẩm này, rất yên tâm vì các thành phần của nó đều là những chất rất tự nhiên”. Tuy nhiên, sản phẩm giảm cân trên đã bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi giấy phép do quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng ra khuyến cáo người dân không mua, sử dụng sản phẩm vi phạm nêu trên, nên báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.
Ngoài sản phẩm trên, một số nghệ sĩ khác cũng tham gia quảng cáo thực phẩm chữa ung thư dạ dày, u nang, viêm họng, làm trắng da…
Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách được shipper giao hàng và thu hộ tiền cho người bán, thậm chí còn không có cả hóa đơn bán hàng. Việc mua bán thiếu minh bạch đó khiến khán giả, khách hàng là người thiệt thòi nhất.
Nhiều nghệ sỹ, người nổi tiếng đồng loạt đăng bài quảng cáo cho một loại tiền ảo hoạt động dưới hình thức đa cấp. Vào tháng 5/2021, nhiều nghệ sĩ Việt, người nổi tiếng chia sẻ danh sách tiền mã hóa đang nắm giữ, trong đó có đồng FXT. Điều này khiến giá token FXT tăng đột biến, lập đỉnh tại mốc giá 0,4255 USD, sau 2 ngày được các KOLs là những nghệ sỹ nổi tiếng quảng cáo. Nhưng sau đó, giá trị tiền ảo này bị tuột dốc không phanh. Ngày 25/6/2021, Lion Group thông báo đóng cửa sàn giao dịch, FXTradingmarkets bằng một "tâm thư chia tay" và hứa hẹn sẽ trở lại. Đồng thời, giá của token FXT từng được các nghệ sĩ Việt quảng bá cũng dần giảm về 0. Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn trước thông báo đóng cửa sàn giao dịch, giá của FXT token giảm mạnh.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các tổ chức, cá nhân mua các trang web của nước ngoài hoặc tự lập những trang web của nước ngoài để thực hiện hoạt động ngoại hối, thực hiện việc mua bán trên các sàn giao dịch do họ tự lập là hành vi vi phạm pháp luật.
Việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không đúng với lời nói, quảng cáo đa cấp, tiền ảo gây cho người tiêu dùng “tiền mất, tật mang” rất cần lên án.
Nhiều khán giả bức xúc cho rằng, cần xem xét, bổ sung các quy định pháp luật để ràng buộc những cá nhân, nghệ sĩ khi xuất hiện trong các clip quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình. Nghệ sĩ phát ngôn quảng cáo cho sản phẩm bất hợp pháp, phát ngôn sai công dụng điều trị của sản phẩm phải bị xử lý nghiêm khắc vì đưa tin sai sự thật. Không thể đơn giản vì tiền bạc mà sẵn sàng nhận quảng cáo cho một nhãn hàng hoặc sản phẩm mà bản thân mình không hề tin tưởng. Đó là một trong những điều tối thiểu về đạo đức. Huống gì, vấn đề đang được đề cập đến là tiền bạc, sức khỏe, tính mạng con người.
Người quảng cáo phải trực tiếp sử dụng sản phẩm
Theo dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung đang được lấy ý kiến, Bộ VH,TT&DL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Cụ thể, bổ sung Khoản 2a vào sau Khoản 2 Điều 36 như sau: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.
Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Ví như, nếu sử dụng thực phẩm chức năng nào đó để hỗ trợ chữa bệnh của bản thân, họ phải có hồ sơ bệnh án, có xác nhận của bác sĩ điều trị. Nếu người quảng cáo nói tôi bị tiểu đường, bị thấp khớp, hết bệnh nhờ sử dụng sản phẩm này hay sản phẩm kia mà không chứng minh được là lừa dối người tiêu dùng.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đưa ra ý kiến: “Nên có các chế tài đủ sức răn đe, nếu vi phạm pháp luật thì xử phạt. Ngoài ra, có thể học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc, không đến mức “phong sát”, nhưng có thể có quy định cấm phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các nghệ sĩ có vi phạm tùy theo mức độ: 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm, thậm chí vĩnh viễn...”.
Chia sẻ với truyền thông, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Liên đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay: “Ngoài việc xây dựng các quy định chặt chẽ, rõ ràng, để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật, cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của nhiều Bộ, ngành. Nếu liên quan đến dược phẩm, thực phẩm chức năng thì ngành Y tế phải chủ động. Nếu quảng cáo trên môi trường mạng thì phải có Bộ Thông tin và Truyền thông. Tùy theo sản phẩm quảng cáo mà có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Liên quan đến quảng cáo ngoài trời thì phải có UBND các cấp…”.
Việc xây dựng các quy định rõ ràng hơn trong Luật Quảng cáo sẽ góp phần xử lý nghiêm, chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật tốt hơn.
Tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 có quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”. Việc quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng, theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự tội “Quảng cáo gian dối”. Để bảo vệ người tiêu dùng được sử dụng đúng, an toàn về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc quảng cáo, có thể tùy vào động cơ, mục đích của tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc “quảng cáo sai sự thật”, “cung cấp thông tin sai”, “dùng thủ đoạn gian dối khác” để xem xét, xử lý đối với hành vi đó được quy định tại các Điều 197 tội “Quảng cáo gian dối” và Điều 198 tội “Lừa đảo khách hàng”.