Các ngân hàng sẽ chọn 'lối đi' nào để hạ lãi suất cho vay?

Theo SSI Research, dưới áp lực từ chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm khá thận trọng khi nhấn mạnh chỉ hạ lãi suất điều hành nếu có điều kiện phù hợp. Mục tiêu lớn hơn sẽ nghiêng nhiều về các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện tiết giảm chi phí, để qua đó hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngân hàng sẽ nghiêng nhiều về tiết giảm chi phí

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research cho biết, trong tuần qua, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở tiếp tục trầm lắng. Cụ thể, bên cạnh việc ngưng phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu 15 nghìn tỷ đồng trên kênh kỳ hạn 7 ngày nhưng không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.

Về diễn biến lãi suất, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm dao động trong biên độ hẹp (0,2% - 0,3%) và nới rộng chênh lệch với lãi suất USD lên khoảng 500 điểm cơ bản khi FED tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 7.

Tuần trước, trong Hội thảo Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, thông điệp mà NHNN đưa ra cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng còn lại của năm là sẽ tiếp tục theo chiều hướng nới lỏng có thận trọng, bao gồm việc sử dụng linh hoạt các công cụ thể điều tiết thanh khoản thị trường hay sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo vấn đề tỷ giá.

Về xu hướng lãi suất, thông tin từ SSI Research cũng cho rằng, dưới áp lực từ chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, NHNN đưa ra quan điểm khá thận trọng khi nhấn mạnh chỉ hạ lãi suất điều hành nếu có điều kiện phù hợp. Mục tiêu lớn hơn sẽ nghiêng nhiều về các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện tiết giảm chi phí, qua đó hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Tỷ giá USD/VND đi ngang

Trên thị trường ngoại hối trong nước, trong tuần qua, diễn biến tỷ giá USD/VND hầu như đi ngang. Số liệu từ SSI Research cho biết, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch ở vùng 23.650 VND/USD xuyên suốt tuần và kết tuần ở 23.700 USD/VND - tăng nhẹ 0,15% so với cuối tuần trước. Tỷ giá bán niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do cũng tăng nhẹ 40 đồng, lần lượt tại 23.860 và 23.700 VND/USD.

Nhìn chung, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá.

“Trong tuần qua, nguồn cung ngoại tệ khá tích cực (giải ngân FDI đạt 11,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm hay cán cân thương mại ước tính thặng dư 15 tỷ USD) đã giúp tiền Đồng ổn định, mặc dù chúng tôi quan sát thấy có một lượng ngoại tệ cần phải thanh toán trong thời gian qua. Nhìn chung, việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá” - Chuyên gia của SSI Research cho hay.

Tỷ giá VND/USD sẽ còn chịu áp lực từ thị trường quốc tế. Ảnh: Minh họa.

Tỷ giá VND/USD sẽ còn chịu áp lực từ thị trường quốc tế. Ảnh: Minh họa.

Trên thị trường ngoại hối thế giới, trong tuần trước, khá nhiều sự kiện kinh tế diễn ra và tác động mạnh tới biến động trên thị trường ngoại hối. Đầu tiên, như kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng thời tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản vào cuối tuần trước, và khẳng định vẫn tập trung vào rủi ro lạm phát.

Đối với Mỹ, thông điệp của FED đưa ra vẫn chưa có sự rõ ràng về thời điểm ngừng tăng lãi suất khi FED sẽ tiếp tục đánh giá sự tích lũy của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, cùng độ trễ của chính sách lên các hoạt động kinh tế và lạm phát để đưa ra các quyết định tiếp theo. Thị trường đang định giá 80% FED sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 9, nhưng tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn gần 70% cho kỳ họp tháng 11. Xác xuất đánh giá FED sẽ hạ lãi suất nửa cuối năm 2023 chỉ còn là 7,3%, từ mức hơn 13% trong 1 tháng trước.

Tương tự, ECB cho biết sẽ tiếp tục đánh giá triển vọng lạm phát nhằm đưa ra các quyết định tiếp theo. Riêng đối với Nhật Bản, việc bất ngờ nới rộng biên độ giao dịch của trái phiếu chính phủ 10 năm đã giúp tăng tính linh hoạt của chính sách tiền tệ, nhưng không hàm ý thắt chặt chính sách tiền tệ và giúp JPY tăng 0,4% trong tuần trước. Chỉ số DXY ghi nhận tăng nhẹ 0,5%, trong khi các đồng tiền khác giảm giá so với USD như EUR -0,97%, CAD -0,1%./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-ngan-hang-se-chon-loi-di-nao-de-ha-lai-suat-cho-vay-133199.html
Zalo