Các nền kinh tế lớn chạy đua chuẩn bị cho việc ông Trump trở lại Nhà Trắng

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 9 thì các ngân hàng trung ương lớn khác cũng hối hả họp cuối năm. Điều này cho thấy giới chức tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang nỗ lực chuẩn bị cho việc ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Ông Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ông Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, một số thành viên của cơ quan này đã bắt đầu đánh giá tác động từ các kế hoạch của ông Trump như tăng thuế nhập khẩu, mạnh tay với nhập cư… đối với việc hoạch định chính sách tiền tệ của họ trong những tháng tới.

Trong bản cập nhật dự báo tình hình kinh tế mới nhất, Fed nâng nhẹ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2025 lên mức 2,1%, nhưng cũng ước tính tỷ lệ lạm phát trung bình sẽ cao hơn, có thể ở mức 2,5% vào cuối năm 2025. Trong khi vào tháng 9 Fed dự đoán con số này là 2,1%.

Trước khi Fed ra quyết định hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Canada đều đã giảm lãi suất và dự kiến sẽ nới lỏng thêm vào năm 2025 trong bối cảnh triển vọng suy yếu.

Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde đã nhấn mạnh những rủi ro bất lợi đối với tăng trưởng, trong đó có căng thẳng thương mại tiềm tàng với Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Trang tin Axios (Mỹ) cho rằng, vì lo ngại trước chính sách sắp tới của Tổng thống đắc cử Trump, Ngân hàng Hàn Quốc (ngân hàng trung ương) vào tháng 11 đã hạ chi phí vay lần thứ hai trong nhiều tháng. Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất liên tiếp đầu tiên của quốc gia này trong 15 năm, khiến thị trường tài chính bất ngờ.

Trong cuộc họp báo vào tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang-yong chia sẻ: “Có nhiều thứ đã thay đổi trong tháng qua”. Ông đề cập đến chiến thắng của ứng cử viên Donald Trump trong bầu cử tổng thống Mỹ cũng như đảng Cộng hòa giành kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ rồi đánh giá: “Nó vượt xa dự đoán của chúng tôi, tạo ra những làn sóng chấn động với tác động thương mại rộng khắp trên toàn cầu”.

Đồng tiền mệnh giá 100USD. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 100USD. Ảnh: THX/TTXVN

Không chỉ khiến các viên chức tại Fed hoặc Hàn Quốc phải cân nhắc khi đưa ra quyết định, ông Trump còn là cái tên gây chú ý tại Ottawa khi Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland từ chức ngày 16/12 do bất đồng quan điểm với Thủ tướng Justin Trudeau về một số vấn đề, bao gồm cách xử lý các mức thuế quan dưới thời chính quyền Trump 2.0. Ông Trump vào tháng 11 đã cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, trừ khi hai quốc gia này hạn chế được dòng người di cư và dòng chảy fentanyl vào Mỹ.

Trong lá thư từ chức, bà Freeland dường như băn khoăn liệu Thủ tướng Trudeau có đủ khả năng đối đầu với chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump hay không. Bà viết rằng, trước đe dọa áp thuế 25%, người Canada “không tin rằng chúng ta thực sự hiểu được mức độ nghiêm trọng hoặc tầm quan trọng của tình hình hiện tại”.

Các nhà quan sát đánh giá lá thư này còn đưa ra cảnh báo cho các quốc gia khác rằng tính khó lường của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump có thể gây chia rẽ ngay cả giữa những đồng minh chính trị thân cận nhất. Bà Freeland vốn là cựu phóng viên của tờ Financial Times và đã sát cánh cùng Thủ tướng Trudeau trong hơn một thập niên. Bà còn được coi là thành viên chủ chốt, có năng lực trong chính phủ của ông Trudeau. Bà đã đảm nhận nhiều chức vụ cấp cao, như Ngoại trưởng, Phó Thủ tướng... Giáo sư dự bị Tyler Chamberlin tại Đại học Ottawa nhận định rằng, đó là lý do sự ra đi của bà Freeland được coi là tin xấu với ông Trudeau.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 19/12, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giữ nguyên lãi suất. Thị trường đã dự đoán trước động thái này do nguy cơ không chắc chắc về kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Trump và xu hướng tiền lương của Nhật Bản chưa rõ ràng. BOJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn quan trọng ở mức khoảng 0,25% vào cuối cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày.

Tám trong số chín thành viên Hội đồng Chính sách BOJ đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định trên. Hội đồng Chính sách cũng đang xem xét những tác động tiềm tàng đối với thị trường tài chính toàn cầu và kinh tế Mỹ do các chính sách của ông Trump, đặc biệt là cách tiếp cận bảo hộ của ông đối với thương mại quốc tế khi Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết tăng thuế đối với hàng nhập khẩu.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters, Guardian, Axios)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-nen-kinh-te-lon-chay-dua-chuan-bi-cho-viec-ong-trump-tro-lai-nha-trang-20241219154321076.htm
Zalo