Các mức xử phạt vi phạm công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 117 là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá.

Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng

Để phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm an toàn. Trong đó, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ một số địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, như: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá cho sinh viên

Tại Điều 25, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Mức phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

Phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá: Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; không có dụng cụ chứa mẫu, tàn thuốc lá; không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Xử phạt cả người bán, người mua

Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại nước ta phải dán nhãn cảnh báo sức khỏe ngay trên bao thuốc lá. Việc bán buôn, bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép theo quy định của Chính phủ. Mỗi điểm bán lẻ không được trưng bày quá một bao của một nhãn hiệu thuốc lá.

Thí sinh trình bày phần thi tại cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; sáng kiến phòng chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh năm 2023

Cũng theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, các cơ quan có thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính là các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ Trung ương đến địa phương; các cơ quan quản lý thị trường; cơ quan công an và UBND các cấp. Các cơ quan này đều có thẩm quyền xử phạt và việc xử phạt phải tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục xử lý vi phạm hành chính, trong đó có trình tự lập biên bản xử phạt.

Người vi phạm phải có trách nhiệm nộp tiền phạt tại các kho bạc đã đăng ký của cơ quan xử phạt. Tất cả tiền phạt đều được thu vào ngân sách Nhà nước và sẽ có sự phân chia ngân sách lại cho ngành y tế, từ đó có được nguồn kinh phí để thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Theo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, cả người bán thuốc lá, hút thuốc lá nếu vi phạm quy định đều bị xử phạt với mức độ khá cao. Cụ thể, phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc không có nơi dành riêng cho hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp theo quy định của pháp luật cũng bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Song song đó, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.

Tại Điều 26, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

HOÀNG LINH - QUỲNH TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cac-muc-xu-phat-vi-pham-cong-tac-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-a306980.html
Zalo