Các làng nghề, nghề truyền thống nhộn nhịp vào tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề, thời điểm này các làng nghề truyền thống trong tỉnh đang hối hả chạy đua với thời gian để tăng công suất, tăng sản lượng kịp cho những đơn đặt hàng dịp cuối năm.

Cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa của gia đình bà Đỗ Thị Thương, thôn Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân).

Cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa của gia đình bà Đỗ Thị Thương, thôn Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân).

Tại làng nghề sản xuất miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long (Nông Cống), những ngày giáp tết lượng xe tải về lấy hàng càng đông. Ông Trương Hữu Hoa, giám đốc HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, cho biết: "Do nhu cầu thị trường tăng cao nên vào mỗi dịp tết, thương lái từ các nơi đến đây gom hàng và đặt trước từ tháng 10 âm lịch. Hiện tại đã đặt khoảng 200 tấn miến gạo. Dự kiến từ nay đến tết số lượng đặt hàng sẽ còn tăng lên. Do đó, để sản xuất cho kịp đơn đặt hàng, từ tháng 10 âm lịch chúng tôi đã phải tăng cường thêm 80 nhân công so với ngày thường".

Sở dĩ miến gạo ở đây được khách hàng lựa chọn là bởi hầu hết các công đoạn làm miến đều được làm thủ công, hiện tại chúng tôi mới chỉ ứng dụng máy móc vào khâu vón bột và sấy bột. Hơn nữa, để làm ra được những sợi miến trong, thơm ngon, các công đoạn như chọn gạo, ngâm, xay bột, chạy sợi, phơi... đều được HTX làm cẩn thận, kỹ lưỡng và sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không sử dụng chất phụ gia. Nhờ đó, đến nay, sản phẩm miến gạo Thăng Long không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố như, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình và một số tỉnh phía Nam. Ngoài ra, để thu hút khách hàng chúng tôi cũng chú trọng đến việc đầu tư, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm và tích cực quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội".

Theo thống kê, hiện nghề làm miến gạo Thăng Long đang thu hút 37 hộ dân, với hơn 200 lao động tham gia làm nghề. Dịp Tết Nguyên đán các hộ dân làm miến phải tăng sản xuất lên gấp 3 - 4 lần ngày thường để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy sản xuất nhiều nhưng người dân ở đây vẫn làm đúng quy trình, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm miến gạo Thăng Long đã được công nhận OCOP 4 sao. Đây cũng là “chìa khóa” để giúp cho sản phẩm của làng nghề tạo thêm được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Đến tham quan cơ sở sản xuất bánh lá răng bừa của gia đình bà Đỗ Thị Thương, thôn Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân), không khí làm việc ở đây rất hăng say, tất bật. Bà Thương cho biết: "Tính đến thời điểm này, khách hàng đã đặt 30.000 - 40.000 cái bánh lá răng bừa để phục vụ cho tết. Do đó, chúng tôi phải tăng cường thêm nhân lực từ 5 người lên 10 người để kịp cho các đơn hàng khách đã đặt".

Ông Tống Cảnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập (Thọ Xuân), cho biết: Hiện nay, xã Xuân Lập có 200 hộ tham gia sản xuất bánh lá răng bừa, tạo việc làm thường xuyên cho 270 lao động và nhiều lao động thời vụ, với mức thu nhập dao động từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, các hộ làm nghề đã tích cực thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, nhờ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội nên khách hàng cũng biết đến và đặt hàng nhiều hơn.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 nghề truyền thống, 31 làng nghề và 61 làng nghề truyền thống. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề và làng nghề truyền thống đến các cơ sở sản xuất và người dân; gắn phát triển ngành nghề nông thôn với XDNTM... Việc mở các lớp đào tạo về thiết kế, marketing doanh nghiệp, kỹ năng bán hàng, ứng dụng công nghệ... cũng được đẩy mạnh. Cùng với đó là xây dựng và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng, tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa và thương hiệu du lịch của tỉnh...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cac-lang-nghe-nghe-truyen-thong-nhon-nhip-vao-tet-35125.htm
Zalo