Các khoản đầu tư của vùng Vịnh đối mặt với rủi ro do bất ổn ở Trung Đông

Thay vì chỉ tập trung vào giá năng lượng, các nhà đầu tư nên cân nhắc về các tác động có thể xảy ra nếu cuộc xung đột leo thang, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn tỷ USD tiền đầu tư vào vùng Vịnh.

Người dân sơ tán tránh xung đột tại thị trấn Beit Lahia, Dải Gaza ngày 22/10 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân sơ tán tránh xung đột tại thị trấn Beit Lahia, Dải Gaza ngày 22/10 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù nỗi lo ngại rằng tình hình bất ổn ở Trung Đông sẽ tạo ra cú sốc giá năng lượng đã phần nào giảm bớt trong những ngày gần đây, nhưng rủi ro tiềm ẩn của cuộc khủng hoảng này vẫn chưa hoàn toàn mất đi.

Thay vì chỉ tập trung vào giá năng lượng, các nhà đầu tư nên cân nhắc về các tác động có thể xảy ra nếu cuộc xung đột leo thang, gây ảnh hưởng đến hàng nghìn tỷ USD tiền đầu tư của các quốc gia vùng Vịnh trên phạm vi toàn cầu.

Xung đột tại Trung Đông bùng phát từ tháng 10/2023. Cho đến nay, xung đột đã lan rộng trong khu vực, khi Israel đáp trả các loạt tên lửa từ phong trào Hezbollah, Houthi và Iran. Nhưng hậu quả kinh tế toàn cầu từ cuộc xung đột cho đến nay vẫn ở mức tối thiểu và giá dầu thô đã giảm gần 20%.

Đáng chú ý, chi phí vận chuyển container tăng mạnh do lực lượng Houthi tại Yemen liên tục tấn công các tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ khiến các hãng vận tải container buộc phải định tuyến đi vòng qua mũi Hảo Vọng. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan rộng thành một cuộc chiến với sự góp mặt của nhiều quốc gia trong khu vực và có thể lôi kéo các siêu cường vào một cuộc đối đầu trực tiếp hoặc thậm chí làm gia tăng các mối đe dọa hạt nhân. Kịch bản này có vẻ xa vời, nhưng nhiều chuyên gia coi đây là một rủi ro thực sự chưa được đánh giá đúng mức.

Tuần này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã gọi cuộc xung đột vẫn đang diễn ra ở Trung Đông là một "đám mây đen" bao trùm nền kinh tế thế giới, nhưng IMF vẫn nhấn mạnh về các tác động tiềm tàng mà một cuộc xung đột khu vực mở rộng có thể gây ra đối với giá cả hàng hóa, thay vì đề cập tới các thiệt hại đã và đang xảy ra.

Những lo ngại về tình trạng mất nguồn cung lớn hoặc gián đoạn vận chuyển tiếp theo có thể đẩy giá năng lượng tăng cao đã gần như được xóa bỏ, bởi một số yếu tố đối trọng, bao gồm nhu cầu của Trung Quốc giảm, khả năng tự cung dầu của Mỹ cao, sản lượng bù trừ của Saudi Arabia và động thái thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh đang diễn ra.

 Một nhà máy lọc dầu tại khu vực al-Khurj, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nhà máy lọc dầu tại khu vực al-Khurj, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng điểm yếu lớn nhất trong khu vực có thể đã chuyển từ thị trường dầu mỏ sang hàng nghìn tỷ USD lợi nhuận từ dầu mỏ đã được gửi tại các ngân hàng quốc tế và đầu tư rộng rãi trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây. Số tiền này đã được đổ vào mọi thứ, từ cổ phiếu Phố Wall đến trái phiếu của các chính phủ phương Tây, các ngân hàng lớn và thậm chí cả các nhượng quyền thể thao.

Các quỹ đầu tư quốc gia của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hiện đang nắm giữ tổng tài sản được quản lý vượt 4.100 tỷ USD. Tóm lại, ngay cả khi một phần nhỏ trong số tiền tiết kiệm khổng lồ này phải được hồi hương để hỗ trợ các nền kinh tế trong nước bị thiệt hại hoặc các tổ chức tài chính bị cản trở, tác động có thể lan rộng khắp các thị trường thế giới và khuếch đại bất kỳ tác động nào đến hàng hóa.

Để xem xét cách leo thang xung đột có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng GCC, công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã đưa ra bốn kịch bản khác nhau, từ tình trạng hiện tại đến xung đột giữa nhiều quốc gia liên quan đến các siêu cường. Tổ chức này cho rằng một cuộc chiến lan rộng có thể dẫn đến tổn thất lớn cho các ngân hàng, chưa kể đến thiệt hại vật chất hoặc kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp.

Và không khó để thấy các quốc gia GCC có thể buộc phải khai thác các quỹ dự phòng của họ. Phân tích của S&P Global cho thấy xung đột có khả năng sẽ kéo dài đến năm 2025 nhưng không có khả năng dẫn đến sự tham gia trực tiếp và kéo dài giữa Israel/Mỹ và Iran.

Trên cơ sở đó, có khả năng sẽ có áp lực giảm nhẹ đối với chất lượng tín dụng ngân hàng và chủ quyền khu vực. Nhưng rủi ro sẽ tăng lên trong kịch bản "căng thẳng nghiêm trọng," bao gồm giao tranh giữa các đồng minh trong khu vực và ngoài khu vực, bao gồm Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này với các đồng minh của Mỹ và vùng Vịnh.

S&P Global cho biết điều này không chỉ dẫn đến sự gián đoạn đáng kể về năng lượng và vận chuyển mà còn gieo rắc bất ổn vĩ mô và tài chính trên khắp các quốc gia GCC. Và nếu điều đó xảy ra, nó có thể gây ra dòng tiền ồ ạt chảy ra từ các ngân hàng GCC, tương tự như Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991 và sự gia tăng các khoản nợ xấu trong số các khách hàng doanh nghiệp và khách lẻ của các ngân hàng.

 Trụ sở S&P Global. (Nguồn: AFP)

Trụ sở S&P Global. (Nguồn: AFP)

S&P Global đã lập mô hình tác động tiềm tàng của kịch bản "tệ nhất" dựa trên dữ liệu của ngân hàng trung ương về nguồn tài trợ bên ngoài vào giữa năm và báo cáo chất lượng tài sản từ 45 ngân hàng GCC.

Báo cáo phát hiện ra rằng Trung Đông có thể chứng kiến 50% dòng tiền chảy ra từ các nguồn tiền gửi liên ngân hàng, 30% dòng tiền chảy ra từ nguồn tiền gửi ngoài Trung Đông rộng hơn, 20% dòng tiền chảy ra từ tiền gửi tư nhân địa phương và 20% cắt giảm đầu tư trong nước của các ngân hàng khu vực.

Hơn nữa, có khả năng các khoản nợ xấu sẽ tăng 50%. Dòng tiền gửi chảy ra có thể lên tới 275 tỷ USD - chỉ thấp hơn một chút so với tổng số 284 tỷ USD tiền mặt hoặc tương đương đang được nắm giữ tại các ngân hàng trung ương của các nước GCC.

Mặc dù điều này có thể quản lý được, nhưng nó sẽ đòi hỏi phải thanh lý một phần danh mục đầu tư của các ngân hàng này và hỗ trợ từ chính phủ. Vấn đề nan giải chỉ là mức độ can thiệp của chính phủ cần thiết và mức độ khai thác các quỹ đầu tư quốc gia, vì điều đó có thể dẫn đến việc hồi hương hàng trăm tỷ USD đã đầu tư ở nước ngoài.

Cùng với chi phí nhân lực không thể tính toán được, một điều tàn khốc như chiến tranh giữa các quốc gia rõ ràng sẽ có nhiều kết quả không thể đoán trước, với vô số hiệu ứng lan tỏa tiềm ẩn tác động đến lòng tin, du lịch và dòng vốn trong khu vực.

Báo cáo của S&P Global không thể dự đoán hết điều gì sẽ xảy ra, nhưng nó gợi ý rằng thay vì tập trung quá nhiều vào giá dầu, các nhà đầu tư nên cân nhắc những gì có thể xảy ra với hàng nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm có được từ dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-khoan-dau-tu-cua-vung-vinh-doi-mat-voi-rui-ro-do-bat-on-o-trung-dong-post987589.vnp
Zalo