Các kênh đầu tư trong thời gian tới sẽ diễn biến theo xu hướng nào?

Kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, bất định. Rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các kênh đầu tư trong thời gian tới sẽ diễn biến theo xu hướng nào? Các lớp tài sản nào sẽ là lựa chọn tốt của năm tới?

Đó là những vấn đề được trao đổi tại Tọa đàm về tìm kiếm cơ hội đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/12 với chủ đề Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội.

Tại Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh – Tổng biên tập Báo Đầu tư lưu ý: Những biến động quốc tế nhanh và mạnh, hàng loạt thay đổi đã tạo ra thêm nhiều biến số mới, kể cả trên những nền tảng tưởng chừng như đã rõ. Dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã được chính thức công bố, những kịch bản khác nhau vẫn tiếp tục được đưa ra gắn với những ẩn số về chính sách sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức.

 Các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh: Chí Cường

Các diễn giả tham gia tọa đàm. Ảnh: Chí Cường

Những xung đột và biến động chính trị mới ở nhiều nơi trên thế giới lại dẫn đến những âu lo mới về hoạt động của các thị trường… Và với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chắc chắn mức độ tác động từ bên ngoài sẽ cần phải được tính toán cẩn trọng. Trong bối cảnh đấy, nhà đầu tư luôn phải tìm cách thích nghi và phát triển.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu dự báo, 2025 là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam. Những tác động từ năm 2024 sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới: Đó là tỷ giá được dự báo năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5% và năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.

Thứ hai, nếu Mỹ tăng thuế lên đến 60% đối với Trung Quốc và mức thấp hơn với các nước khác (ít nhất 25%), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu tác động lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Những chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump nếu thực hiện sẽ rất bất lợi cho Việt Nam, đặc biệt nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ như giai đoạn trước.

 Các biến số vĩ mô và vi mô cả trong nước và quốc tế luôn là điều được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Ảnh Chí Cường

Các biến số vĩ mô và vi mô cả trong nước và quốc tế luôn là điều được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Ảnh Chí Cường

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi sau COVID-19 mà sự hỗ trợ từ Chính phủ chưa đủ giúp doanh nghiệp phục hồi hoàn toàn. Nếu không có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn năm 2025 có thể chứng kiến số lượng doanh nghiệp phá sản gia tăng.

Nhưng năm 2025 cũng có nhiều cơ hội. Đó là cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Đó là nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ lại tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Cũng trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ.

Các biến số vĩ mô và vi mô cả trong nước và quốc tế luôn là điều được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt.

Tại buổi tọa đàm này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VPS cho biết, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư có kinh nghiệm đã nhìn thấy một xu hướng đi lên từ nay cho đến cuối năm. Hy vọng trong năm 2025 triển vọng thị trường sẽ tốt hơn với những chất xúc tác như tăng trưởng GDP khởi sắc, hoạt động xuất nhập khẩu, nhờ câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán…

“Chúng ta không chỉ kỳ vọng mức tăng khiếm tốn 10-12% mà phải là 15-20% và thậm chí cao hơn”, ông Khánh cho hay.

Theo thông tin từ ông Hoàng Xuân Trung đến từ Ngân hàng Citi Viet Nam: Ngày càng nhiều tổ chức quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, đó là một điểm sáng tích cực. Ông cũng dự báo với thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên 5.000 USD, chi tiêu nội địa sẽ hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Cũng trong năm này sẽ có nhiều thay đổi và Việt Nam hưởng lợi nhiều trong chuỗi cung ứng phát triển. Việt Nam là trung tâm sản xuất thế giới.

Nhìn về vĩ mô, ông Lương Văn Khôi – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung tương dự báo: Sang năm 2025, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; Cả ba khu vực kinh tế tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn; Mức sống dân cư có sự chuyển biến; Lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước; Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Khu vực doanh nghiệp phục hồi và có sự tăng trưởng, phát triển khá. Song song đó, hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm tới.

Theo dự báo mà ông Barry Weiblatt David - Giám đốc Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT đưa ra tại Hội thảo thì tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể đạt 6,9%. Nếu giải ngân đầu tư công có thể đạt 100%, mức tăng trưởng GDP có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn 8%, thậm chí 9%.

Nhưng để đạt kết quả cao, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết những khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, ông Barry Weiblatt David khuyến nghị.

Chọn kênh nào để xuống tiền đầu tư, đó là câu hỏi lựa chọn. Các chuyên gia cho rằng, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để kết luận, ông nói, chúng ta nhớ câu nói của Triết gia Heraclitus: "Trong cuộc sống có một hằng số, không bao giờ thay đổi, đó là sự thay đổi không ngừng của cuộc sống".

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-kenh-dau-tu-trong-thoi-gian-toi-se-dien-bien-theo-xu-huong-nao-post325292.html
Zalo