Các HTX ở Văn Giang điêu đứng khi bão số 3 nhấn chìm hàng trăm ha cây cảnh trong biển nước

Cơn bão số 3 cùng với hoàn lưu đã gây mưa lớn trên diện rộng, cùng với đó là lũ từ thượng nguồn đổ về khiến diện tích sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề. Nén lại những cảm xúc xót xa, bà con nông dân, HTX nông nghiệp ở Văn Giang (Hưng Yên) đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.

Thời điểm này, mực nước sông Hồng đã rút, bà con canh tác khu vực ven sông hồng đã có thể bắt đầu các hoạt động khắc phục hậu quả sau mưa bão. Phóng viên VnBusiness đã có mặt tại HTX Dịch vụ Hoa và Cây cảnh Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), không khỏi bất ngờ bởi hàng trăm ha diện tích trồng hoa và cây cảnh được bà con đầu tư nhiều công sức tiền của hiện vẫn đang chìm sâu trong biển nước.

Hàng trăm ha diện tích hoa màu bị thiệt hại

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến dịp cao điểm phục vụ Tết Nguyên Đán 2025, đây là thời điểm mong chờ nhất của bà con trồng hoa và cây cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang. Tuy nhiên, sau khi bão số 3 đổ bộ, kèm theo mưa lớn cũng như lũ từ thượng nguồn đổ về đã nhấn chìm toàn bộ diện tích trồng hoa và cây cảnh tại đây, khiến hàng trăm ha diện tích canh tác bị thiệt hại gần như hoàn toàn.

Chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Nguyễn Văn Hiểu - Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Hoa và Cây cảnh Phụng Công cho biết, mấy chục năm nay mới thấy có đợt nước lũ trên sông Hồng lớn như thế này, lượng nước lại dồn về quá nhanh, đã khiến người dân không trở tay kịp, chỉ sau một đêm tất cả đã chìm trong biển nước.

Là HTX có quy mô lớn, với gần 130 hộ thành viên, hiện đang canh tác trên diện tích hơn 70ha tại khu vực bãi bồi ven sông Hồng, trước thông tin cơn bão số 3 đổ bộ, các hộ thành viên đã chủ động thực hiện di dời một số chủng loại cây cảnh loại nhỏ lên khu vực trên đê để hạn chế thiệt hại; thực hiện gia cố, chằng buộc chắc chắn những cây không thể di chuyển được nhằm tránh bị gãy, đổ. Tuy nhiên sức gió mạnh và mưa lớn đã khiến toàn bộ diện tích canh tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một lượng lớn cây cảnh lâu năm có giá trị kinh tế cao đã bị gió “quật’ gãy. Chỉ sau một đêm, mọi thứ đã trở nên tang hoang, mất trắng.

Thứ duy nhất có thể mang về là chiếc máy bơm đã ngâm trong nước cả tuần nay.

Thứ duy nhất có thể mang về là chiếc máy bơm đã ngâm trong nước cả tuần nay.

Ông Nguyễn Xuân Luận, thành viên HTX cho biết, gia đình ông canh tác hơn 5 sào hoa và các loại cây cảnh, hôm nay trời nắng, nước cũng đã rút dần ông tranh thủ lội ra đồng xem có trục với được gì không, nhưng dường như tất cả đã thối hết, thứ duy nhất có thể mang về là chiếc máy bơm đã ngâm trong nước cả tuần nay.

Nước ngập trắng đồng, bà con trắng tay

Phần lớn diện tích canh tác của HTX chủ yếu là trồng các loại hoa và các loại cây cảnh, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước. Thời điểm hiện tại mực nước sông Hồng đã bắt đầu rút, tuy nhiên khu vực này vẫn đang bị ngập sâu, nên việc khắc phục hậu quả của bà còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ riêng các hộ thành viên của HTX Dịch vụ Hoa và Cây cảnh Phụng Công, toàn bộ diện tích trồng hoa, cây cảnh của bà con trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng “cùng chung số phận” do ảnh hưởng của nước lũ.

Phần lớn diện tích hoa và cây cảnh của HTX hiện vẫn đang chìm sâu trong biển nước

Phần lớn diện tích hoa và cây cảnh của HTX hiện vẫn đang chìm sâu trong biển nước

Đưa chúng tôi lội sâu vào trong khu nhà vườn, nơi có mực nước sâu gần 1m, ông Hiểu cho biết, vài năm nay gần đây nhiều hộ phát triển trồng cây trà, hải đường ... vì đây là những loại cây cảnh trồng không quá lâu năm, giá thành lại phù hợp với nhiều phân khúc người tiêu dùng, dịp Tết năm nay đúng tầm có thể bán được. Giờ nước ngập thế này thì hỏng hết, coi như mất trắng. Cả năm trông chờ vào ngày Tết, tiền của đổ dồn đầu tư hết vào những sào ruộng trồng hoa và cây cảnh này, chi phí đầu tư lên tới hàng tỷ đồng, giờ lũ về khiến bà con trắng tay.

Gạt đi những giọt nước mắt, bà Đào Thị Huấn - Thành viên HTX Dịch vụ Hoa và Cây cảnh Phụng công cho biết, khó khăn vất vả của nghề làm vườn, những dãi nắng dầm mưa mấy chục năm nay đã nếm trải đủ cả, thế nhưng sự tàn phá của cơn bão số 3 đã khiến hơn 8 sào cây cảnh có giá trị kinh tế cao của gia đình bà hiện vẫn đang ngập sâu trong nước, đứng trước nguy cơ thiệt hại gần 3 tỷ đồng do thối gốc.

"Hiện tại vẫn chưa có con số thống kê chính thức, nhưng sơ bộ, có khoảng trên 90% số lượng cây cảnh của các hộ thành viên đã chìm dưới nước, tổng thiệt hại ước tính lên tới vài chục tỷ đồng", ông Hiểu cho biết thêm

Ngoài thiệt hại về các loại cây và hoa thì cơ sở hạ tầng của HTX cũng chịu tổn thất đáng kể. Hệ thống thủy lợi nội đồng bị phá hủy, các đường dẫn nước bị sạt lở và lấp đầy bùn đất. Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm của HTX mới đầu tư xây dựng năm 2022 với chi phí hơn 500 triệu cũng đã bị tốc mái và hư hỏng nặng. Việc sửa chữa sẽ mất nhiều thời gian và chi phí, đây là bài toán đặt ra thách thức lớn đối với HTX trong điều kiện tài chính còn nhiều hạn chế như hiện nay.

Gian nan khắc phục hậu quả

Cơn bão đi qua, các hộ thành viên HTX cũng như nông dân trồng hoa cây cảnh trên địa bàn huyện Văn Giang đã chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, hoa màu và vật nuôi. Các cánh đồng vẫn còn đang bị ngập úng, việc đi lại khắc phục hậu quả còn nhiều khó khăn, điều này khiến việc sản xuất ngưng trệ. Tuy nhiên, không nản lòng trước thiên tai, lũ lụt, nhiều hộ thành viên HTX đã nhanh chóng có kế hoạch bắt tay vào khắc phục hậu quả để ổn định tình hình.

Một số giống cây loại nhỏ đã được bà con chủ động di dời lên cao để giảm thiểu thiệt hại

Một số giống cây loại nhỏ đã được bà con chủ động di dời lên cao để giảm thiểu thiệt hại

"Thiệt hại là quá lớn, trước mắt, sau khi nước rút hết, gia đình sẽ phải tổ chức dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường, phân loại và tiến hành các biện pháp kỹ thuật cần thiết hy vọng có thể phục hồi được một số cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Đồng thời tập chung mọi nguồn lực để đầu tư cây, con giống, tiến hành gieo trồng một số loại cây, hoa ngắn ngày kịp để phục vụ vào dịp Tết nguyên đán 2025", Bà Huấn cho biết thêm.

Tuy nhiên, các thành viên HTX vẫn đang lo lắng về tình trạng khôi phục sản xuất trong dài hạn. Với nguồn lực hạn chế, họ cần sự trợ giúp liên tục từ chính quyền và các tổ chức xã hội để không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn xây dựng kế hoạch phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Theo quan sát, dọc tuyến đường đê, một số người dân đã nhanh chân còn có thể chạy được một số loại hoa cây cảnh lên mặt đê trước khi bão đổ về, nhưng số này chẳng thấm vào đâu so với lượng cây bị chìm trong nước lũ. Nhưng cũng chỉ những cây cảnh nhỏ, trồng trong chậu nhựa, thì còn có thể chuyển cây chạy lũ lên đê, phần lớn còn lại, đều chìm trong nước lũ và chắc chắn sẽ rất khó có thể sống sót sau khi lũ đi qua, bởi đa phần các loại hoa, cây cảnh đều là giống cây không thể chịu úng ngập lâu dài.

Hiện mực nước sông tại đây đã bắt đầu rút, nhưng rút chậm. Thời tiết nắng lên, khi nước rút hẳn các hộ thành viên sẽ phải chạy đua để “giải cứu” tài sản của mình hiện vẫn đang ngập sâu trong nước, với hi vọng "còn nước còn tát".

Ông Nguyễn Văn Hiểu - Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Hoa và Cây cảnh Phụng Công nói rằng, điều cần nhất bây giờ với các thành viên HTX là đồng vốn để tái sản xuất, HTX đang cần nhập một số loại cây trong và ngoài nước, nhất là những loại hoa ngắn ngày để tập trung tái sản xuất, phục vụ dịp Tết. "Những cây truyền thống của HTX thì cần thời gian dài hơi hơn để khắc phục, thậm chí 3-5 năm nữa chưa chắc đã có những sản phẩm cây cảnh mà HTX bị thiệt hại như thời gian qua", ông Hiểu buồn rầu nói.

Phạm Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/cac-htx-o-van-giang-dieu-dung-khi-bao-so-3-nhan-chim-hang-tram-ha-cay-canh-trong-bien-nuoc-1102380.html
Zalo