Các hộ gia đình phải mở lối thoát nạn thứ 2

HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua đề án yêu cầu các nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2, chủ nhà phải mở thêm lối thoát nạn.

Ngày 2/7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô.

Mục tiêu của thành phố là 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan thành phố, học sinh các cấp, bậc học được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn.

Đặc biệt, tất cả nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải được mở thêm lối thoát nạn. Mọi khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Thành phố Hà Nội đề xuất 100% nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh phải được mở lối thoát nạn thứ 2. (Ảnh: Internet)

Thành phố Hà Nội đề xuất 100% nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh phải được mở lối thoát nạn thứ 2. (Ảnh: Internet)

Anh Nguyễn Hoàng Hải, phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội đồng tình: "Nếu mà nhà ở kết hợp kinh doanh thì nên làm lối thoát hiểm theo mình là hợp lý. Mình nghĩ đầu tiên là vận động trước, để cho ý thức người dân tốt lên, trang bị phòng cháy, chữa cháy cho cho nhà ở của mình. Nếu mà mọi người chưa chấp hành thì có thể làm những biện pháp cứng rắn hơn".

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng hiện nay việc xây thêm, lắp đặt thêm lối thoát hiểm thứ 2 rất khó khăn do vấn đề về kinh phí, cũng như diện tích đất quá chật khiến cho việc này không khả thi.

Anh Nguyễn Văn Minh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho rằng: "Mỗi cái phòng xây theo khổ đất và điều kiện của nó. Bắt buộc mỗi nhà phải có một cửa phụ để thoát hiểm nhưng mà kín tất cả xung quanh rồi thì làm sao mà làm được cửa phụ? Tôi nghĩ rằng những người quản lý ở khu phố đi đến từng gia đình và xem người ta có điều kiện thì cố vấn cho người ta làm. Không có điều kiện thì cũng khó có thể giải quyết được".

Nhiều hộ gia đình khó khăn trong việc mở lối thoát nạn thứ 2. (Ảnh: Internet)

Nhiều hộ gia đình khó khăn trong việc mở lối thoát nạn thứ 2. (Ảnh: Internet)

Trung tá Lê Minh Hải, Cục cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Bộ Công an, cho biết nhiều người chưa nắm vững kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cũng như cách thoát nạn nên khi xảy ra cháy sẽ lúng túng trong việc xử lý, dẫn đến không thể thoát nạn.

"Các nhà ở hộ gia đình thường là bố trí có một lối thoát nạn thông qua cầu thang bộ hở từ các tầng trên xuống tầng dưới và thoát ra ngoài qua tầng một. Tại cửa tầng một thì thường lắp đặt nhiều lớp cửa hoặc là lắp đặt cửa cuốn để đảm bảo an toàn cho hộ gia đình. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng đến công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thoát nạn của người dân", trung tá Hải nói.

Việc quy định 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở thêm lối thoát nạn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi chẳng may xảy ra cháy.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/cac-ho-gia-dinh-phai-mo-loi-thoat-nan-thu-2-251076.htm
Zalo