Các hiệp hội ngành hàng: Xây dựng kịch bản ứng phó thuế đối ứng từ Hoa Kỳ

Các hiệp hội ngành hàng tại tỉnh Bình Dương chủ động xây dựng kịch bản chuẩn bị tình huống xấu trước việc Chính phủ Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam.

Thay đổi từ nội lực

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Bình Dương trong những năm qua. Đồng thời, cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa tỉnh Bình Dương và Hoa Kỳ cũng có sự chênh lệch đáng kể (tỉnh Bình Dương đạt xuất siêu). Do đó, trong bối cảnh tỉnh Bình Dương đang phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025 thì việc áp mức thuế mới của Hoa Kỳ sẽ gây ra những tác động sâu rộng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, phát biểu tại hội nghị với lãnh đạo tỉnh, kiến nghị về lâu dài ngành da giày cần được hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ

Trong năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các DN đang nỗ lực duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường mới, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2025, tạo đà phát triển ổn định trong những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, cho rằng DN không nên chỉ tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, mà cần mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác và thu hút nhiều khách hàng nhỏ lẻ. Hiệp hội đề xuất thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại Việt Nam nhằm giúp khách hàng tiếp cận, trải nghiệm và lựa chọn mẫu mã phù hợp.

“Về lâu dài, ngành da giày cần được hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các nguyên liệu như cao su làm đế giày và chi tiết linh kiện. Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị xây dựng các khu chợ chuyên biệt để DN có thể thường xuyên giới thiệu và bán sản phẩm, thay vì phụ thuộc vào các hội chợ lớn tổ chức định kỳ. Các buổi kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành hoặc liên kết vùng cũng cần được tổ chức thường xuyên hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hiệp hội mong muốn các cơ quan liên quan như phòng cháy chữa cháy, môi trường có những chính sách kiểm tra hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho DN”, ông Nguyễn Quang Vũ nói.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, hiện tại thuế suất nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với hầu hết các loại đồ nội thất bằng gỗ (mã HS 9403) từ các quốc gia có quan hệ thương mại bình thường (NTR), trong đó có Việt Nam, dường như là miễn phí, nên việc đưa ra thuế suất đối ứng lên đến 46% là cú sốc lớn. Tuy vậy, trên bình diện thông tin chung của thị trường thế giới, các DN tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận trong đàm phán sang thị trường này thuế đối ứng với Hoa Kỳ.

Cân bằng lợi nhuận, chia sẻ rủi ro

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, đánh giá Chính phủ phản ứng rất nhanh nhạy ngay sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng mới; đồng thời mong muốn tỉnh Bình Dương đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN. Ông đề xuất tăng cường phát triển thị trường nội địa và nâng cao chất lượng lao động ngành điện, vốn đang thiếu hụt nhân lực tay nghề cao.

Ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Công thương, chia sẻ trong 90 ngày Hoa Kỳ tạm dừng áp thuế đối ứng sẽ giúp DN giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng. Ông nhấn mạnh, đây là “90 ngày vàng” để DN tranh thủ xuất khẩu đơn hàng, tái cơ cấu chuỗi giá trị, cải thiện điểm yếu về cấu trúc và chuyển đổi sang tăng trưởng bền vững, đa dạng hóa thị trường; tăng cường các chuỗi cung ứng. Các DN xuất khẩu cần nghiên cứu tăng nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu từ thị trường Hoa Kỳ nhằm giảm chênh lệch thương mại và tận dụng cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu và các yếu tố khác từ Hoa Kỳ; chủ động liên hệ với các đối tác Hoa Kỳ để đàm phán cân bằng lợi nhuận, chia sẻ rủi ro.

Về vấn đề hỗ trợ vốn, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực XVI cho biết tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN; triển khai các giải pháp ứng phó với cáo buộc thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ.

Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh bài toán lớn hiện nay là cán cân thương mại. Trong khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các sản phẩm công nghệ cao thì lại xuất khẩu sang thị trường này các mặt hàng sử dụng nhiều lao động. Chính phủ Việt Nam đang hết sức nỗ lực để đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề này. Phía các DN cần phải hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam; đồng thời đẩy nhanh đa dạng hóa thị trường bằng cách thông qua việc tăng cường các mối quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia khác nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ; tăng cường các chuỗi cung ứng trong nước và các đối tác Hoa Kỳ...

Năm 2024, các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt 15,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 12,3%, so với năm 2023; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 970 triệu đô la Mỹ, tăng 15,3%, so với năm 2023; Bình Dương xuất siêu 14,63 tỷ đô la Mỹ.

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cac-hiep-hoi-nganh-hang-xay-dung-kich-ban-ung-pho-thue-doi-ung-tu-hoa-ky-a345160.html
Zalo