Các hãng xe Trung Quốc đang 'vật lộn' thế nào ở Việt Nam
Năm 2024 và giai đoạn đầu năm nay chứng kiến nhiều hãng xe Trung Quốc gia nhập thị trường Việt, nhiều hãng tăng tốc nhưng cũng có những cái tên đang bị bỏ lại phía sau.

Làn sóng ôtô Trung Quốc trong năm 2024 mang đến cho khách Việt nhiều hãng xe mới, đi kèm nhiều lựa chọn đa dạng từ xăng, hybrid cho đến ôtô thuần điện.
Dẫu vậy, không phải hãng xe nào cũng ngay lập tức có được thành công tại Việt Nam. Số ít thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động, bất chấp giai đoạn thăm dò thị trường đã được tiến hành trước đó khá lâu.
Ồ ạt đổ bộ, thận trọng thăm dò
Năm 2024 và giai đoạn đầu năm nay chứng kiến số lượng lớn hãng xe Trung Quốc ồ ạt đổ bộ Việt Nam, gồm Lynk & Co, BYD, GAC, Aion, Omoda và Jaecoo, cùng với Geely bên cạnh động thái quay trở lại thị trường của những Haval, Dongfeng.
Thương hiệu xe điện quen mặt Wuling đang rục rịch làm mới dải sản phẩm, còn MG đặt chân vào mảng điện hóa bằng SUV điện bán chạy hàng đầu châu Âu - MG4 EV.
Khác với sự "ồ ạt" về quy mô, các hãng xe Trung Quốc vào Việt Nam giai đoạn này tỏ rõ sự thận trọng.
Chẳng hạn, đơn vị phân phối Omoda đã tổ chức lái thử C5 cho giới truyền thông từ đầu năm 2024 nhưng phải đến cuối năm, mẫu SUV cỡ B này mới chính thức ra mắt thị trường.

Omoda C5 xuất hiện nhiều lần trong các buổi lái thử trước khi chính thức ra mắt. Ảnh: Vĩnh Phúc.
BYD cũng tương tự, tổ chức nhiều buổi lái thử với quy mô lớn nhỏ khác nhau, từng trì hoãn thời điểm ra mắt chính thức trước khi chào sân khách Việt bằng dải sản phẩm xe điện gồm Dolphin, Atto 3 và Seal.
Geely cũng giới thiệu Coolray, tổ chức các buổi lái thử cho khách hàng khoảng một tháng trước thời điểm ra mắt chính thức.
Động thái này của các hãng Trung Quốc một phần nhằm thăm dò thị trường, tìm mức giá phù hợp, mặt khác tạo điều kiện cho khách Việt được sờ tận tay, xem tận mắt mẫu xe mới, ngay cả trước khi ra mắt chính thức kèm giá bán.
Còn với Aion, thương hiệu xe điện của tập đoàn GAC đã có thời gian thăm dò kéo dài cả năm trời, thậm chí hoàn thành xong showroom nhiều tháng trước khi ra mắt chính thức.

Cho khách hàng lái thử trước khi ra mắt chính thức đang là phương án tiếp cận được nhiều hãng xe Trung Quốc lựa chọn tại Việt Nam. Ảnh: Phúc Hậu.
Sự thận trọng của các hãng xe Trung Quốc được cho là phù hợp ở thị trường nơi mà cái nhìn dành cho ôtô Trung Quốc chưa thật sự thiện cảm.
Chiến lược cho chạy thử xe trước khi công bố giá bán cũng giúp các hãng Trung Quốc "dò" được tâm lý khách hàng, từ đó có thể chọn ra mức giá phù hợp hoặc tìm được phương án phát triển các phiên bản giá rẻ hòng tăng tính cạnh tranh.
Chẳng hạn, Geely Coolray ra mắt gần đây với khoảng giá 538-628 triệu đồng đã trở thành một trong những cái tên rẻ nhất phân khúc SUV cỡ B. Omoda C5 cũng được bổ sung phiên bản Luxury, giá bán 539 triệu đồng nhưng ưu đãi dưới 500 triệu đồng cho số lượng giới hạn khách hàng đầu tiên.
Trước đó, nguồn tin của Tri thức - Znews cho hay New MG5 cũng có được doanh số khá ổn tại Việt Nam nhờ giá bán 399 triệu đồng, tức tương đương các mẫu xe cỡ A nhưng dành cho một mẫu sedan cỡ C.
Có dễ thành công?
Ở Thái Lan, BYD vừa có thêm một năm thành công khi trở thành hãng xe điện bán chạy nhất, theo Car News China. Doanh số BYD ở xứ chùa vàng đạt 6.191 xe trong năm 2024, tương đương 14,4% thị phần xe thuần điện.
Còn theo báo cáo do PwC thực hiện, thị phần của ôtô Trung Quốc tại 6 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã tăng từ 3,4% trong năm 2023 lên thành 5% trong năm 2024.
Thị phần của BYD tại 6 nước Đông Nam Á nói trên đạt 1,8% trong năm 2024 theo báo cáo của PwC. Các hãng xe của SAIC Motor nắm giữ 1,7% thị phần, còn Chery giữ 1% thị phần ôtô tại khu vực này, tăng trưởng từ chỉ 0,1% hồi 2023.

Riêng tại Việt Nam, BYD hay Wuling dường như vẫn chưa thể tạo ra sức ép đáng kể lên VinFast ở nhóm xe thuần điện. BYD không công khai doanh số, còn Wuling cho biết lượng tiêu thụ Wuling Mini EV đã tăng 130%, đạt 1.358 xe trong năm 2024. BYD vẫn hiếm gặp trên đường phố còn Wuling liên tục giảm giá cho các mẫu xe và có vẻ như đang thu gọn quy mô hoạt động.
VinFast trở thành hãng xe có doanh số tốt nhất Việt Nam với hơn 87.000 xe trong năm vừa rồi. Thành tích này của VinFast gần như dẫn đầu mảng ôtô điện tại Việt Nam, trong khi các đối thủ không chia sẻ số liệu bán hàng.
Bên cạnh câu chuyện về giá trị thương hiệu hay chất lượng xe, ôtô điện Trung Quốc ở Việt Nam còn vướng phải những rào cản về hạ tầng trạm sạc, thậm chí là những tranh luận về chuẩn sạc khác với chuẩn sạc phổ biến ở Việt Nam.
Nhiều lý do khác nhau khiến các hãng xe điện Trung Quốc ở Việt Nam đang phải đối diện không ít khó khăn, cần tìm phương án giải quyết.
Chẳng hạn, danh mục sản phẩm chính thức của BYD hiện bao gồm 5 mẫu xe thuần điện nhưng BYD M6 mới được xem là cái tên thành công bậc nhất nhờ giá bán cạnh tranh, đồng thời đánh trúng "ngách" MPV cỡ trung còn nhiều dư địa phát triển của thị trường xe Việt.

BYD M6 được đánh giá là mẫu xe khá thành công của thương hiệu ôtô Trung Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Phúc Hậu.
Cách đón nhận có phần thờ ơ của khách Việt với xe điện BYD có thể là động lực khiến hãng xe Trung Quốc phải bổ sung mẫu hybrid cắm sạc BYD Sealion 6. Với tầm hoạt động đến 1.200 km sau mỗi lần sạc pin và đổ đầy xăng, BYD Sealion 6 đang được kỳ vọng sẽ trở thành mẫu xe đắt hàng tiếp theo của hãng tại Việt Nam.
TMT Motors - đơn vị phân phối xe điện Wuling tại Việt Nam - từng hứa hẹn sẽ giới thiệu phiên bản giá rẻ cùng biến thể SUV của Wuling Bingo trong quý I nhưng đến nay vẫn chưa có động thái mới.
TMT Motors cũng đã tiết lộ sẽ mang dải sản phẩm xe điện Baojun về Việt Nam, từng đăng thông tin 4 mẫu xe của thương hiệu này trên website chính thức nhưng đã gỡ xuống chưa rõ lý do. Danh mục sản phẩm mà TMT Motors liệt kê vào lúc này chỉ còn Wuling Mini EV cùng 2 phiên bản Bingo 333 km và 410 km.
Còn với Aion, sự thận trọng kéo dài hàng năm trời dường như chưa thể mang lại "quả ngọt" cho hãng xe điện thuộc tập đoàn GAC. Theo ghi nhận của Tri thức - Znews, đại lý Aion duy nhất ở TP.HCM đã dừng hoạt động.
Tại địa chỉ từng là showroom Aion, Harmony Việt Nam nhanh chóng cho chuyển đổi thành đại lý BYD. Harmony Việt Nam trực thuộc tập đoàn Harmony Group, được biết đến là nhà phân phối và đại lý lớn nhất của BYD trên thế giới.

Nơi từng là đại lý Aion nay đã chuyển sang kinh doanh ôtô thương hiệu BYD. Ảnh: Phúc Hậu.
Ở nhóm xe xăng, MG đang được xem là hãng xe Trung Quốc có được thành công lớn nhất tại Việt Nam tính đến hiện tại. Hãng này vừa ra mắt MG G50 - MPV cỡ trung với phiên bản tiêu chuẩn rẻ hơn phần lớn MPV cỡ nhỏ tại Việt Nam.
Omoda và Jaecoo đã ra mắt các mẫu SUV của mình. Trong số này, Jaecoo J7 PHEV là mẫu xe hybrid cắm sạc thứ hai trong phân khúc phổ thông, trước khi BYD Sealion 6 chính thức trình làng vào cuối tháng 4.
Haval âm thầm mở bán Jolion, còn Dongfeng cũng đã úp mở kế hoạch quay lại Việt Nam bằng loạt xe mới. Geely đã chào sân khách Việt, theo sau nhiều khả năng sẽ là Zeekr và vẫn dưới sự phân phối của Tasco.
Nhìn chung, thị trường ôtô Việt Nam đang khá sôi động với màn ra mắt của loạt thương hiệu Trung Quốc. Thành công hay thất bại vẫn còn cần thêm thời gian để kiểm chứng, nhưng sự có mặt của nhóm xe Trung Quốc đang giúp khách Việt có thêm lựa chọn, đa dạng về sản phẩm, phân khúc và giá thành.