Các hãng xe Trung Quốc chạy đua tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam năm 2025
Trong 3 thị trường châu Á cung cấp ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất là Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng các nước trong khu vực ASEAN thời gian gần đây đang đứng trước nguy cơ mất vị trí dẫn đầu khi làn sóng Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ.
![Các hãng xe Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị phần thị trường xe Việt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_3_51417158/1ca3ccb8f4f61da844e7.jpg)
Các hãng xe Trung Quốc đang đẩy mạnh việc chiếm lĩnh thị phần thị trường xe Việt.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu cả năm 2024 tại Việt Nam đạt 173.561 xe, tổng kim ngạch đạt 3,62 tỷ USD, tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về kim ngạch so với năm 2023. Indonesia dẫn đầu về lượng xe nước ta nhập khẩu với 70.728 chiếc, tổng kim ngạch 1,036 tỷ USD. Đứng thứ hai là Thái Lan với 63.769 xe nhưng lại dẫn đầu về kim ngạch với 1,24 tỷ USD. Đứng thứ ba là Trung Quốc với 31.112 xe, kim ngạch hơn 909 triệu USD.
Trước đó, trong tháng 11/2024, các loại nhập khẩu đạt 17.855 chiếc, với tổng kim ngạch đạt 375,9 triệu USD. So với tháng 10, ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng trước đạt 17.706 chiếc với tổng kim ngạch đạt 374 triệu USD. Đáng chú ý xe nhập khẩu từ Trung Quốc với 3.769 chiếc, tăng tới 44%. Con số này cho thấy các doanh nghiệp từ Trung Quốc đang cho thấy tham vọng mạnh mẽ chinh phục thị trường Việt trong lần thứ 4 trở lại.
Thị trường Việt Nam hiện đang chứng kiến làn sóng xe nhập khẩu Trung Quốc đang tràn vào mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2023. Những cái thương hiệu đã có mặt tại Việt Nam có thể nhắc tới như MG, Hồng Kỳ, Beijing, Haval, Lynk & Co, Haima, Wuling, Chery, BYD, GAC, GWM, Aion, Omoda & Jaecoo, Dongfeng, Geely…
Từ năm 2016 đến nay, sản lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam đã tăng gần gấp 2 lần, mặc dù vậy nhưng sản lượng xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ trong giai đoạn này ít thay đổi. Năm 2016 vẫn là năm mà số lượng xe sản xuất trong nước tiêu thụ đạt mức cao 228.439 chiếc. Cơ cấu tiêu thụ xe liên tục thay đổi trong mấy năm gần đây.
Nhưng từ chỗ thị trường xe chủ yếu là xe sản xuất, xe nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 25 - 28% thì đến năm 2019 xe nhập khẩu bắt đầu tăng vọt lên 42% và từ đó tỷ lệ xe nhập khẩu tăng đều qua các năm cho đến hiện tại.
Năm 2022 lượng xe sản xuất trong nước giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 55% sản lượng tiêu thụ toàn thị trường. Điều này cho thấy xe nhập khẩu đang chiếm ưu thế và sản xuất ô tô trong nước đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các nước trong khu vực, đặc biệt là xe Trung Quốc.
Thực tế, khi tràn vào Việt Nam, các hãng xe đến từ Trung Quốc đang phải chịu áp lực về thuế nhập khẩu. Tùy theo mẫu mã, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu lên tới 49%. Trong khi các đối thủ đến từ các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan đang được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Mặc dù gặp khó về thuế nhập khẩu cao hơn nhưng các hãng xe Trung Quốc vẫn quyết tâm chinh phục thị trường Việt.
Nguyên nhân dẫn đến việc các hãng xe Trung Quốc quyết tâm tràn vào Việt Nam là do các thương hiệu xe Trung Quốc trên thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump lần 2 sẽ mạnh tay áp thuế. Châu Âu, Canada cũng đang áp thuế rất cao dẫn đến sự tắc nghẽn trong xuất khẩu. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tạm thời áp dụng bổ sung thuế quan dao động từ 17-38% lên ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7/2024. Tổng thuế mà EU áp dụng cho ô tô điện Trung Quốc sẽ tăng lên tới 48%. Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ áp thuế 40% đối với ô tô nhập khẩu từ quốc gia tỷ lệ dân này. Vì vậy, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là rõ ràng là điểm đến thu hút nhiều hãng xe Trung Quốc cũng không quá khó hiểu.
Nguyên nhân tiếp theo là trong những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên là nhà sản xuất ô tô điện lớn hàng đầu thế giới với số lượng rất lớn. Thị trường trong nước có dấu hiệu bão hõa dẫn đến khủng hoảng dưa thừa. Do đó việc tìm đầu ra cho hàng tồn kho là khó có thể tránh khỏi.
Hơn nữa, thị trường Việt vẫn là thị trường còn non trẻ với nhiều tiềm năng khi dung lượng thị trường kết thúc năm 2024 đạt hơn 500.000 xe. Dự báo dung lượng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới trong kỷ nguyên xanh hóa. Đây cũng là yếu tố thu hút các hãng xe Trung Quốc.
![Các mẫu xe Trung Quốc trong lần trở lại thị trường Việt này có nhiều điểm khác biệt để hút người tiêu dùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_3_51417158/7f0bac10945e7d00244f.jpg)
Các mẫu xe Trung Quốc trong lần trở lại thị trường Việt này có nhiều điểm khác biệt để hút người tiêu dùng.
Trong cuộc đua tranh đấu giành thị phần, so với những lần trước, lần này khi tràn vào Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc không còn định vị ở phân khúc giá rẻ thường thấy như những lần trước mà các hãng đưa ra các phương án giành thị phần đa dạng hơn rất nhiều. Từ mức giá đa dạng hơn rất nhiều và được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, thiết kế trẻ trung, đến việc tích hợp nhiều tính năng công nghệ tiên tiến hơn. Những nỗ lực này của các hãng xe Trung Quốc nhằm phần nào thay đổi định kiến về xe Trung Quốc với người dùng Việt.
Từ năm 2019 đến nay, xe Trung Quốc đã có nhiều thay đổi không chỉ ở thiết kế và còn ở mức giá khá linh hoạt, một số mẫu xe chỉ từ 500 triệu đồng, những mẫu xe này vẫn được tích hợp nhiều trang bị cao cấp như: nhận diện khuôn mặt, màn hình giải trí cỡ lớn, cửa sổ trời toàn cảnh cùng hàng loạt trang bị an toàn như ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, ga tự động và cảm biến áp suất lốp...
Đến năm 2022, một số hãng xe lớn của Trung Quốc đã cho thấy sự “nghiêm túc” hơn trong việc xâm nhập thị trường xe Việt như MG, Chery đã xác nhận sẽ quay trở lại thị trường Việt. Trong đó, Tập đoàn Chery khẳng định sẽ xây dựng nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là nhà máy lắp ráp ô tô đầu tiên của Trung Quốc tại thị trường Việt Nam sau khi ký kết với Geleximco.
Đến năm 2024, sau những cái tên như Wuling, Hongqi, Haima, Haval, làn sóng xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam sẽ tiếp nối với hàng loạt thương hiệu khác như GAC, Aion, Omoda, Jaecoo và BYD trong 6 tháng cuối năm.
So với những lần trước đó, không thể phủ nhận việc các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã có nhiều thay đổi, tạo nên một làn sóng ô tô mới cả về quy mô và bài bản hơn rất nhiều trong lần trở lại này.
Thậm chí nhiều hãng xe hàng đầu của Trung Quốc và trên thế giới đã tuyên bố lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô ngay tại Việt Nam. Điều này nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng Việt và cho thấy quyết tâm gắn bó dài hơi với thị trường. Nó sẽ giúp các hãng xe Trung Quốc thu hút sự tin tưởng từ phía khách hàng.
Ngoài ra, liên quan đến chiến lược kinh doanh xe điện của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam cũng đang là vấn đề và không hề dễ dàng vì chưa kể các yếu tố kể trên, khi bán xe điện tại Việt Nam, việc không có hệ thống hạ tầng trạm sạc rộng rãi sẽ là rào cản rất lớn.
Mặc dù làn sóng xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam với sản lượng và kim ngạch ngày càng tăng cao dù mức thuế nhập khẩu với xe Trung Quốc khá cao, có thể thấy rằng các hãng xe Trung Quốc đang đặt nhiều tham vọng, nhưng phải thừa nhận rằng chiến lược của một số hãng xe Trung vẫn chưa thực sự sắc nét thời gian qua. Năm 2024 đã khép lại với sự trỗi dậy mạnh mẽ của xe Trung Quốc, bước sang năm 2025, trước những biến động địa chính trị, các thương hiệu xe Trung Quốc thời gian tới chắc chắn sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh giành “miếng bánh” thị phần tại Việt Nam khi gặp khó ở nhiều thị trường khác trên thế giới.