Các giải pháp khả thi trong ứng phó lũ quét, sạt lở đất

Thời gian qua, nhiều giải pháp và công nghệ được đề xuất, một số được áp dụng vào thực tiễn như: Phân vùng rủi ro thiên tai; tăng dầy và nâng cao độ chính xác trong việc giám sát và dự báo mưa

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thắng Trung - TTXVN

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thắng Trung - TTXVN

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai tổ chức Tọa đàm “Giải pháp, công nghệ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại cộng đồng”. Tọa đàm do Cục Khí tượng Thủy văn và Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp thực hiện.

Nội dung tọa đàm hướng tới mục tiêu cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, trung du phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai sạt lở đất, lũ quét tổng thể, đồng bộ, tỷ lệ phù hợp; cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư, tăng cường năng lực ứng phó sạt lở đất, lũ quét..

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, lũ quét, sạt lở đất không còn là hiện tượng hiếm gặp mà trở thành những hiểm họa thường xuyên ở nhiều nơi khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Đây là hai trong số những loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất không chỉ về người, tài sản và còn để lại hậu quả lâu dài đối với sinh kế, môi trường, hạ tầng và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

"Ttong bối cảnh đó, chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực và sáng kiến của Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai trong suốt thời gian qua, đặc biệt là sáng kiến cùng các cơ quan liên quan và chủ trì với Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp tổ chức Tọa đàm hôm nay. Những hoạt động của Quỹ không chỉ có ý nghĩa tham gia hỗ trợ kỹ thuật mà còn là cầu nối kết nối 3 bên giữa nhà nước - nhà khoa học - cộng đồng, góp phần tạo ra một mô hình xã hội hóa phòng chống thiên tai hiệu quả, bền vững và nhân văn", Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu. Ảnh: THắng Trung - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu. Ảnh: THắng Trung - TTXVN

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai cho biết, trong nhiều năm gần đây, đa số thiệt hai về người do sạt lở đất và lũ lụt, lũ quét gây ra.

Để giảm thiểu thiệt hại, tại Quyết định số 1262/QĐ-TTg ban hành ngày 27/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Đề án xác định 5 nội dung chính có liên quan mật thiết với nhau, trong đó nội dung 4 là: Thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin, cảnh báo sớm sạt lở đái, lũ quét.

Thời gian qua đã có nhiều giải pháp và công nghệ được đề xuất, một số được áp dụng vào thực tiễn, nổi bật là: Phân vùng rủi ro thiên tai; tăng dầy và nâng cao độ chính xác trong việc giám sát và dự báo mưa -một trong các yếu tố chính trực tiếp dẫn đến sạt lở đất và lũ quét; lắp đặt một số thiết bị giám sát lũ trên các dòng sông, khu vực thường xuyên bị ngập lụt; lắp đặt một số thiết bị giám sát sạt trượt đất; tổ chức các đội xung kích phòng chống thiên tai ở các xã...

Cùng với đó, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhất là Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup đã hỗ trợ các địa phương lắp đặt được 843 trạm đo mưa tự động, 16 tháp cảnh báo lũ tự động; hỗ trợ hình thành và tăng cường năng lực cho 85 đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở.

Tuy vậy, hiệu quả của các giải pháp nêu trên chưa rõ như thiếu thông tin cảnh báo về sạt lở đất, thông tin giám sát, cảnh báo chưa đến với người dân, chưa biến thành các hành động cụ thể ngăn ngừa thiệt hại. Đội xung kích hoạt động kém hiệu quả, nhiều nơi hình thức.

Tọa đàm này sẽ nêu bật các nội dung về xác định các công nghệ, thiết bị giám sát, dự báo hiệu quả về sạt lở đất và lũ quét hiện có trong và ngoài nước có thể áp dụng; việc tích hợp các loại bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và các thông tin giám sát, cảnh báo thiên tai nói chung, sạt lở đất và lũ quét nói riêng vào một trang thông tin điện tử cho mỗi địa phương; việc xây dựng lự lượng, bộ máy và cơ chế giám sát, cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các giải pháp phòng tránh sạt lở đất, lũ quét.

"Đây sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương do Chính phủ đề ra", ông Cao Đức Phát khẳng định.

Thông tin về tổng quan tình hình lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phòng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, lũ quét, sạt lở đất đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản điển hình như: Trận lũ quét, sạt lở đất ở 4 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu (ngày 2-3/8/2017); sạt lở đất sáng 18/10/2020 tại tỉnh Quảng Trị; lũ quét tại Lào Cai rạng sáng 12/9/2023; lũ quét và sạt lở đất sau bão số 3 năm 2024...

Tuy công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất đã được thực hiện tốt từ Trung ương tới các địa phương, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, tồn tại đó là: Địa hình phức tạp, mưa lớn ngắn hạn gây khó khăn cho việc xác định chính xác vị trí và thời điểm xảy ra lũ quét, sạt lở đất; công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế về tính chi tiết; nhận thức cộng đồng và năng lực ứng phó hạn chế; việc phát triển kinh tế xã hội kém bền vững...

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Thanh Tùng nêu rõ cần tập trung vào các nhóm giiar pháp về thể chế, chính sách, khoa học công nghệ, truyền thông và nâng cao năng lực cộng đồng, hợp tác quốc tế...

Đề cập đến công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho rằng, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tích hợp nhiều module (giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu đa nguồn) để hỗ trợ nghiệp vụ cảnh báo và truyền tin trên nền tảng WebGIS với chức năng theo dõi, giám sát, cảnh báo, lập bản đồ nguy có thời gian thực.

Đối với giải pháp tăng cường thông tin cảnh báo, ông Mai Văn Khiêm lưu ý cần tập trung vào việc truyền tin và tích hợp (tăng cường, đồng bộ hóa việc truyền tin; tích hợp vào Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cổng thông tin địa phương); cập nhật và cải tiến (hoàn thiện bản đồ phân vùng nguy cơ cho các khu vực còn thiếu, cập nhật, điều chỉnh ngưỡng mưa gây lũ quét, sạt lở đất); công nghệ (ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Al để phân tích dữ liệu, cảnh báo sớm; tích hợp đa nguồn dữ liệu như rada, vệ tinh, mặt đất vào mô hình).

Tại tọa đàm các đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan đã trao đổi như: Cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất dựa trên nền tảng công nghệ, giải pháp hiệu quả cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét dựa trên công nghệ IOT và WSN, giải pháp cảnh báo lũ quét, sạt lở đất từ lượng mưa quan trắc theo thời gian thực, kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản về cảnh báo lũ và sạt lở đất...

Thắng Trung/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-giai-phap-kha-thi-trong-ung-pho-lu-quet-sat-lo-dat/371444.html
Zalo