Các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông giải ngân đạt 3,2%

Bộ Tài chính cho biết, các Bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết toàn bộ tổng số vốn 87.533,1 tỷ đồng đối với 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải, trong đó, vốn ngân sách trung ương là 74.538,7 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 12.994,4 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực về giải phóng mặt bằng; tuy nhiên, tại một số địa phương, việc này vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực về giải phóng mặt bằng; tuy nhiên, tại một số địa phương, việc này vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Ảnh minh họa

Theo Bộ Xây dựng, các địa phương, các chủ đầu tư đã chủ động triển khai, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tuy nhiên, kết quả giải ngân của 11 dự án này vẫn đạt thấp, thậm chí còn thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Theo đó, đến hết ngày 28/02/2025, tổng số vốn giải ngân của 11 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 2.771,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3,2% kế hoạch được giao (87.533,1 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách trung ương là 2.375,6 tỷ đồng, đạt 3,2%; vốn ngân sách địa phương là 395,9 tỷ đồng, đạt 3%. Trong khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân chung của cả nước trong 2 tháng đầu năm đạt 5,43%.

Bộ Tài chính cho rằng, hiện nhiều địa phương đã có chuyển biến tích cực về giải phóng mặt bằng; tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, nhất là các tỉnh Tuyên Quang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương. Đồng thời, một số địa phương chậm bàn giao mặt bằng xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đặc biệt là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nghệ An, Đồng Nai.

Về vật liệu xây dựng, hiện các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai triển khai thủ tục cấp mỏ, chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch hoàn thành các dự án.

Về triển khai thi công: Một số dự án còn chậm, chưa có chuyển biến rõ rệt như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ, Sóc Trăng, Vành đai 4 Hà Nội đoạn qua Bắc Ninh; đặc biệt tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua Đồng Nai, Bình Dương, Dự án thành phần 1 và 3 dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...

Về lựa chọn nhà đầu tư, Dự án thành phần 3 Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội phải điều chỉnh hồ sơ mời thầu, dự kiến ký hợp đồng và khởi công trong quý II/2025.

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương có dự án rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu...

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương có dự án cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cac-du-an-quan-trong-quoc-gia-nganh-giao-thong-giai-ngan-dat-3-2-39162.html
Zalo