Các 'đồng minh' chính của Nga là ai?

Nga không tham gia liên minh quân sự hùng mạnh như NATO nhưng vẫn có một số đối tác chính trị và kinh tế trên khắp thế giới. Một trong số này có thể hỗ trợ Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo trang tin rbth.com, Hoàng đế Nga Alexander III từng nói: “Nga chỉ có hai đồng minh: Lục quân và Hải quân”. Câu nói từ thế kỷ 19 này vẫn rất đúng, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn, Nga chỉ có thể dựa vào chính mình. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Nga không có bạn bè quốc tế.

Ngay cả Tổng thống Vladimir Putin cũng trích dẫn lời Alexander III khi trả lời câu hỏi về đồng minh của Nga vào năm 2015 (mặc dù đã thanh minh rằng ông đang nói đùa), nhưng Nga chắc chắn có bạn bè và đối tác nước ngoài. Nhưng họ là ai?

Binh sĩ Nga và belarus trong cuộc tập trận Zapad-2021. Ảnh: TASS

Binh sĩ Nga và belarus trong cuộc tập trận Zapad-2021. Ảnh: TASS

Liên minh hậu Xô viết

Nói về các quốc gia mà Nga có các thỏa thuận ràng buộc pháp lý về phòng thủ lẫn nhau, trước hết đó là các thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh liên chính phủ được thành lập vào năm 1992, gồm 6 quốc gia hậu Xô Viết: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Theo Hiến chương CSTO, một trong các mục đích của khối là “cung cấp sự bảo vệ tập thể trong trường hợp bị đe dọa đối với sự an toàn, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” của các quốc gia thành viên. Hiến chương nhấn mạnh rằng các thành viên ưu tiên các công cụ chính trị để đạt được mục tiêu của nhóm nhưng CSTO vẫn tự hào có một lực lượng quân sự tổng hợp với số lượng khoảng 25.000 quân.

CSTO chưa bao giờ tham chiến nhưng tổ chức này vẫn tiến hành các cuộc diễn tập huấn luyện quân sự thường xuyên. Năm 2018, khi trả lời câu hỏi về đồng minh của Nga là ai, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, đã đề cập đến các thành viên CSTO đầu tiên.

Bên cạnh đó, Abkhazia và Nam Ossetia, hai nước cộng hòa tự xưng, cũng có thỏa thuận ràng buộc pháp lý với Nga. Moskva cam kết bảo vệ các nước cộng hòa tự xưng này và họ có nghĩa vụ giúp đỡ Nga trong trường hợp bị tấn công - mặc dù khả năng quân sự của họ rất khiêm tốn.

Những đối tác khác

Những đối tượng được đề cập ở trên là tất cả các nước mà Nga có hiệp ước quân sự, nhưng một số quốc gia khác đôi khi được coi là "đồng minh" của Nga, mặc dù không có thỏa thuận chính thức. Ví dụ, Nga đã và đang hỗ trợ Syria rất nhiều về mặt quân sự và chính trị. Ông Peskov từng nói: “Tất nhiên, Syria là đồng minh của chúng tôi. Nhưng, theo như tôi biết, chúng tôi không có thỏa thuận về các mối quan hệ đồng minh toàn diện".

Một ví dụ khác là Trung Quốc, "gã khổng lồ" kinh tế châu Á và là thành viên của khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các liên minh kinh tế mà Nga cũng tham gia. Quân đội Nga cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với các đối tác Trung Quốc. Bình luận về một trong những cuộc tập trận như vậy vào năm 2018, ông Peskov gọi Trung Quốc là "đồng minh".

Tuy nhiên, các nhà khoa học chính trị cho rằng đó có thể là một sự phóng đại. Như Sergey Karaganov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng (Nga), nói: “Nga đang hợp tác chặt chẽ hơn với một số nước, nhưng liên minh toàn diện về chính trị và quân sự là không thể. Nga không muốn trở thành đối tác cấp dưới của Trung Quốc và chúng tôi không thể là đối tác cấp cao của họ”.

Rbth.com cho rằng, Ấn Độ cũng có thể được coi là một đồng minh tiềm năng khác. Trong nhiều lĩnh vực, quan hệ Nga-Ấn tương tự như quan hệ Nga-Trung: Ấn Độ cũng tham gia BRICS và SCO, tiến hành các cuộc tập trận chung với Nga,và mua các thiết bị quân sự của Nga. Nhưng trong trường hợp này xuất hiện một số vấn đề. Ví dụ, theo nhà khoa học chính trị Alexander Khramchikhin: “Nga muốn đưa Ấn Độ vào một liên minh ba bên với Trung Quốc, song New Delhi và Bắc Kinh vẫn tồn tại nhiều khác biệt, thậm chí là xung đột.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-dong-minh-chinh-cua-nga-la-ai-20220120155345326.htm
Zalo