Các điều kiện, yêu cầu bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong giai đoạn hiện nay

Trong thời gian qua, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã được triển khai thực hiện khá đồng bộ ở địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế, hiệu quả hoạt động thực tế của các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chưa cao. Để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nói riêng cần phải có đánh giá tổng thể về thực trạng và nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra các giải pháp khả thi, phù hợp với thực tiễn tại các địa phương.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chung vui ngày hội đại đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tháng 11/2022 _Nguồn: daidoanket.vn

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chung vui ngày hội đại đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tháng 11/2022 _Nguồn: daidoanket.vn

Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đạt được những kết quả nhất định

Theo kết quả khảo sát và báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 63 tỉnh, thành phố, trên cả nước có 12.946 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên tổng số 11.159 xã, phường, thị trấn với tổng số thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là 92.285 người.

Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chủ yếu giám sát, phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong quá trình đầu tư, thi công công trình; vi phạm về tiến độ, kế hoạch đầu tư; vi phạm quy trình, kỹ thuật, chủng loại vật liệu xây dựng; gây thất thoát tài sản, vốn; vi phạm về xử lý chất thải và vệ sinh môi trường kịp thời phản ánh với đơn vị chịu trách nhiệm thi công để khắc phục.

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực sự là công cụ để Nhân dân ở xã, phường, thị trấn thực hiện quyền giám sát các công trình xây dựng tại địa phương, nhất là đối với các công trình do Nhân dân đóng góp. Nhiều nơi, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã cử thành viên trực tiếp giám sát quá trình xây dựng các công trình ở xã, như: xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng, trạm y tế, nhà trẻ, mẫu giáo... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm rất cao khi giám sát, kiểm tra, phát hiện những vi phạm của chủ đầu tư, nhà thầu.

Công tác giám sát đầu tư của cộng đồng trong thời gian qua đã từng bước đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở cơ sở. Nơi nào, công trình, dự án nào có sự tham gia giám sát của cộng đồng thì trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan được nâng lên, chất lượng, tiến độ công trình được bảo đảm hơn, giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn tại cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại một số địa phương còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: một số cấp ủy Đảng, chính quyền vẫn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nên chưa thường xuyên quan tâm, tạo điều kiệu cho Ban hoạt động; quy trình, thủ tục bầu thành viên còn rườm rà; trình độ, năng lực của các thành viên các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế trong khi giám sát các công trình xây dựng là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn, đòi hỏi người giám sát phải có chuyên môn; kinh phí hỗ trợ hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chủ đầu tư của các chương trình, dự án thiếu hợp tác; những kiến nghị sau giám sát không được xử lý kịp thời…

Những hạn chế, yếu kém đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định có liên quan của Luật Đầu tư công và Nghị định 29/2021/NĐ-CP về quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư, trong đó một số nội dung hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng còn một số bất cập về cơ chế, chính sách.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội khen thưởng các tập thể tiêu biểu tại lễ tổng kết công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 ngày Ngày 20/12/2023 (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội khen thưởng các tập thể tiêu biểu tại lễ tổng kết công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 ngày Ngày 20/12/2023 (Ảnh minh họa)

Những yêu cầu đặt ra để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Nâng cao chất lượng và hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, yêu cầu đặt ra là ngày càng phải nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thực tiễn hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong những năm qua cho thấy, ở địa phương, cơ sở nào sự lãnh đạo của cấp ủy được sát sao, hiệu quả thì Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động tích cực, chất lượng và được người dân hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, trách nhiệm hơn. Điều này cho thấy vai trò rất to lớn của Đảng và Nhà nước trong việc định hướng, quản lý và khích lệ Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Yêu cầu này đòi hỏi Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần nghiên cứu kỹ các quy định về quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của mình mà luật đã quy định. Đồng thời cũng đặt ra việc các cấp ủy đảng, tổ chức đảng ở cơ sở cần sát sao hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Yêu cầu này cũng đòi hỏi Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần phải gắn chặt chẽ với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại cơ sở. Bởi theo quy định, chức năng, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã là chủ trì thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng chương trình, dự án. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã sẽ có đại diện tham gia vào Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nơi có chương trình triển khai dự án. Chính vì vậy, với yêu cầu này đòi hỏi cần có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp cơ sở với hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải thể hiện được vai trò của Nhân dân, đồng thời bảo đảm những điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia chủ động, tích cực vào hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hình thành nên tư tưởng về phát huy vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Người luôn khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1. Người còn khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam đều xuất phát từ việc biết phát huy vai trò của Nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quán triệt tinh thần Nhân dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước; là nguồn gốc mọi sức mạnh của Đảng; phục vụ Nhân dân là mục tiêu duy nhất, mục tiêu tối thượng, là bản chất của Đảng. Phát huy vai trò của Nhân dân và dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước là một nguyên tắc xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XIII của Đảng rút ra năm bài học kinh nghiệm; trong đó, bài học thứ hai là bài học về vị thế, vai trò của Nhân dân: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”2.

Xuất phát từ những định hướng của Đảng, việc thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Mục đích của hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng là để bảo đảm cho việc thực hiện các chương trình, dự án, công trình xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo đúng quy định của pháp luật, đúng mục tiêu, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích chung của cộng đồng.

Với mục đích đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được thành lập để thực hiện hoạt động theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý nhà nước về đầu tư công, từ đó có thể phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các việc làm vi phạm pháp luật để kịp thời ngăn chặn và xử lý nhằm bảo vệ lợi ích của cộng đồng, của Nhân dân.

Để phát huy vai trò của Nhân dân trong hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng yêu cầu cần có nhiều hình thức khác nhau để phổ biến đến quần chúng nhân dân nhất là tuyên truyền để dân hiểu, nắm rõ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản luật; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án, công trình đầu tư trên từng địa bàn và tiến độ thực hiện; phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; chủ trương, kế hoạch vay vốn để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo... Tùy theo tính chất, mức độ quan trọng của từng nội dung mà tổ chức công khai bằng một hay nhiều hình thức kết hợp như thông qua hội nghị cán bộ công chức, các buổi họp dân, họp tổ, hội, đoàn thể tại cơ sở.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, các kế hoạch hay các chương trình hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân. Người dân trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo chủ trương, thông qua việc lấy ý kiến trực tiếp, các hội nghị, hội thảo, các trang web của các bộ, ban, ngành chủ trì soạn thảo hoặc thông qua các cơ quan dân cử...; được Nhân dân bàn bạc tập thể, thống nhất cách thức, biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện.

Các ý kiến đóng góp của Nhân dân đều cần được lắng nghe, tiếp thu. Đối với những ý kiến chưa xác đáng, chưa phù hợp thì các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành giải thích, tuyên truyền, thuyết phục để Nhân dân hiểu, nắm rõ. Việc tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia vào quá trình giám sát, theo dõi, kiểm tra của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ giúp người dân hiểu, trực tiếp thực hiện, hành động, làm việc, đưa chủ trương, nghị định, chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải thiết thực, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, tránh hình thức, phô trương

Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được quy định gồm có những nhiệm vụ là:

Thứ nhất, theo dõi, giám sát sự phù hợp của chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn cấp xã; việc chủ đầu tư chấp hành các quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư, kế hoạch đầu tư; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, việc thực hiện công khai thông tin trong quá trình đầu tư đối với các chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư từ nguồn vốn khác trên địa bàn cấp xã.

Thứ hai, đối với các chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư, dự án sử dụng ngân sách cấp xã hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã, thì thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung quy định tại điểm a khoản này và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức và chủng loại vật tư theo quy định; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.

Thứ ba, phát hiện những việc làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng; những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư và vận hành dự án; những việc gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc các chương trình, dự án đầu tư.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ theo quy định như trên, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, gắn trực tiếp với cuộc sống của Nhân dân, gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nguyện vọng, yêu cầu bức thiết của Nhân dân. Thực hiện giám sát, kiểm tra cần phải là những vấn đề nổi cộm, cơ bản, Nhân dân đang bức xúc cần được giải quyết.

Đặc biệt, việc thực hiện của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần thực hiện một cách thiết thực, tránh tình trạng làm qua loa, hình thức, đại khái, hoặc làm rất rầm rộ nhưng kết quả không cao, vừa gây mất thời gian, công sức của các bên liên quan, vừa không giải quyết được những vấn đề cần thiết được Nhân dân phản ánh, mà còn gây lãng phí các nguồn lực.

Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và dân chủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai - sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô". Do đó, để người dân có thể tham gia giám sát, kiểm soát, cơ quan Nhà nước, các hoạt động, dự án… thì cần phải xây dựng được cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động, và phải được thực hiện thông qua các hình thức khác nhau, đây cũng là yêu cầu về giải pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các vi phạm. Từ đó, có các giải pháp phù hợp để ngăn ngừa, phòng, chống hoặc xử lý các hành vi vi phạm.

Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng yêu cầu các hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cũng cần tuyên truyền rộng rãi để Nhân dân, các bên liên quan nắm rõ từ chủ trương, kế hoạch và các biện pháp thực hiện. Hoạt động và kết quả thu được trong quá trình kiểm tra, theo dõi, giám sát có thể phải được các phương tiện truyền thông đăng tải để mọi người được biết. Từ đó có thể có những phản hồi, những đóng góp tích cực, phù hợp để làm kinh nghiệm cho thời gian sau.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động phối hợp giữa Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với các tổ chức, cơ quan, ban ngành liên quan với Nhân dân

Theo quy định, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng liên hệ chặt chẽ với Nhân dân để nắm bắt thông tin do Nhân dân phản ánh, kịp thời báo cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để giải quyết; đồng thời, thông tin lại cho Nhân dân về kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan quản lý nhà nước, chủ chương trình, chủ đầu tư, ban quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Do vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần thiết phải đảm bảo yêu cầu nâng cao hiệu quả các hoạt động phối hợp giữa Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với các tổ chức, cơ quan, ban ngành liên quan và với Nhân dân.

Nội dung này đặt ra đối với giải pháp là Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong quá trình hoạt động cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, các bên liên quan, từ quá trình xây dựng kế hoạch hoạt động; tiếp nhận thông tin phản ánh; thu thập, thông tin, tài liệu; đến việc tổ chức kiểm tra, giám sát trực tiếp tại nơi thực hiện chương trình, dự án.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có thể mời người có chuyên môn liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát cùng tham gia kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức và chủng loại vật tư theo quy định. Thông báo kết quả kiểm tra, giám sát đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị bằng văn bản. Trường hợp phát hiện các vấn đề vi phạm hoặc có các kiến nghị khác về các chương trình, dự án trong quá trình giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc huy động tham gia của các tầng lớp nhân dân vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần được thực hiện thường xuyên hơn, đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch. Điều này đảm bảo tính hiệu quả các hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Hoạt động của của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần tránh tình trạng gây cản trở cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ

Thực tế hiện nay hoạt động giám sát, kiểm tra đối với các công trình, dự án… diễn ra với nhiều hình thức, và cách thức khác nhau. Việc này cũng đưa đến hiệu quả là huy động các tầng lớp nhân dân tùy theo khả năng, năng lực để tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quá trình kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, nếu việc giám sát quá nhiều hoặc không cẩn thận sẽ dẫn đến việc trùng lặp, hoặc gây lãng phí thời gian, công sức của Nhân dân, cơ quan liên quan; thậm chí gây cản trở công việc của cơ quan, tổ chức được giám sát.

Yêu cầu này đòi hỏi Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cần phải nắm rõ quy định về nội dung giám sát; nắm rõ nhiệm vụ, chức năng của Ban để thực hiện nhiệm vụ đúng trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, cũng cần có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, và Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Việc phối hợp này cũng cần thực hiện theo đúng quy định.

Thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phải có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, công tâm, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và có trình độ phù hợp với công việc đảm nhận

Công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước nói chung và với việc tuyển chọn, sử dụng cán bộ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nói riêng. Với yêu cầu này đã đặt ra cần có giải pháp đối với việc tuyển chọn thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, cần đảm bảo các yếu tố về đạo đức, phẩm chất, năng lực, trình độ và sức khỏe để đảm nhận mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải có trách nhiệm trong việc tìm kiếm, huy động người tài tham gia. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn người phù hợp với công việc. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 232.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 96 -97.

TRẦN THỊ XUÂN LAN -

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/phong-chong-tham-nhung-lang-phi/cac-dieu-kien-yeu-cau-bao-dam-cho-to-chuc-va-hoat-dong-cua-ban-giam-sat-dau-tu-cua-cong-dong-trong-giai-doan-hien-nay-57981.html
Zalo