Các điểm bán thức ăn đường phố ở Vũng Tàu sẽ được quản lý qua app

Sắp tới, TP Vũng Tàu sẽ triển khai quản lý thức ăn đường phố qua app để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chiều 3-12, tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đã trao đổi về các giải pháp quản lý điểm bán thức ăn đường phố sau vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại tiệm bánh mì – xôi Cô Ba Bến Đình (phường 7) vừa qua.

Nhiều lỗ hổng trong quản lý thức ăn đường phố

Theo ông Khoa, tiệm bánh mì – xôi Cô Ba Bến Đình có 3 cơ sở. Ngoài quán ở phường 7 còn có quán tại phường Thắng Nhì và phường Rạch Dừa.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, vụ ngộ độc thực phẩm vừa qua có 457 trường hợp bị ngộ độc, trong đó một trường hợp bị tử vong là ông TVR (71 tuổi, ngụ phường 11).

Ông R đã 71 tuổi, có bệnh nền và đặt stent tim. Việc ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì là một tác nhân khiến tình trạng sức khỏe ông suy yếu hơn, dẫn đến tử vong.

Sau khi xảy ra vụ việc, TP Vũng Tàu đã chủ động họp và thông tin ban đầu các nội dung liên quan cho báo chí. Đồng thời yêu cầu công an TP Vũng Tàu vào cuộc điều tra vụ việc để xử lý theo quy định.

 Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu thông tin các giải pháp để quản lý điểm bán thức ăn đường phố sau vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại quán bánh mì Cô Ba Bến Đình. Ảnh: TK

Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu thông tin các giải pháp để quản lý điểm bán thức ăn đường phố sau vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại quán bánh mì Cô Ba Bến Đình. Ảnh: TK

Kết quả ban đầu cho thấy, tác nhân gây ngộ độc là 5/7 thực phẩm trong bánh mì thập cẩm nhiễm khuẩn Salmonella. Đây là vi khuẩn chủ yếu lây lan trong các thực phẩm, đặc biệt thực phẩm chế biến.

Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố không yêu cầu có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ các quán ăn, nhà hàng phải có giấy này. Tiệm bánh mì trên bán thức ăn đường phố, bán mang đi nên không có giấy chứng nhận.

Ông Khoa nhìn nhận, đây là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, TP Vũng Tàu thấy rõ điều này nên đã chỉ đạo thực hiện ngay 3 giải pháp. Thứ nhất, thống kê toàn bộ các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn mà không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Chủ các điểm bán thức ăn đường phố tại Vũng Tàu phải học về vệ sinh an toàn thực phẩm và được quản lý qua app. Ảnh minh họa: TK

Chủ các điểm bán thức ăn đường phố tại Vũng Tàu phải học về vệ sinh an toàn thực phẩm và được quản lý qua app. Ảnh minh họa: TK

Tiếp đó, tiến hành tập huấn cho các chủ cơ sở, người phục vụ quán để họ nắm vững các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến, bán đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, TP sẽ mời chuyên gia để xây dựng ứng dụng (app) quản lý toàn bộ các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn.

“Nếu quán nào buôn bán mà không nằm trong app trên thì chúng tôi bắt buộc phải ngưng hoạt động. Các quán ăn đường phố phải đủ 3 điều kiện: Phải có giấy chứng nhận học qua lớp vệ sinh an toàn thực phẩm; Cam kết thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; Định vị được điểm bán của mình trên app thành phố xây dựng, quản lý.

"Đây là các giải pháp thành phố đưa ra để không lặp lại các sự việc như vừa qua và phục vụ tết Nguyên đán sắp tới ”- ông Khoa nhấn mạnh.

Ca tử vong ăn bánh mì trứng sao vẫn bị ngộ độc?

Thảo luận thêm về vấn đề trên, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông tin, qua vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Vũng Tàu, UBND tỉnh cũng đã tiến hành họp và nhìn nhận còn một số hạn chế.

Trong đó, việc phân cấp quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành 2 quyết định quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ.

“Quán này thuộc đối tượng kiểm tra được quy định nhưng hoạt động nhiều năm liền không được kiểm tra. Các vấn đề, giải pháp Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đưa ra là rất tích cực để triển khai thực hiện. Tỉnh cũng nhận thấy một số hạn chế chủ quan và có chỉ đạo. Trong đó có việc cán bộ phụ trách công an về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa hiểu rõ, chưa nắm sâu sát, trách nhiệm chưa cao trong công tác quản lý”- ông Thông nêu.

Cũng theo ông Thông, việc tập huấn cho các cán bộ phụ trách công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thực hiện, có sự thay đổi trong nhận thức. Tuy nhiên, việc tập huấn với những người buôn bán thức ăn đường phố chưa thực hiện được...

 Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu những hạn chế và giải pháp để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian tới. Ảnh: TK

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu những hạn chế và giải pháp để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian tới. Ảnh: TK

Ở vụ việc ngộ độc thực phẩm tại Vũng Tàu, qua kiểm tra thì nguồn gốc cung cấp thực phẩm đều có hồ sơ, chứng từ đầy đủ. Việc ngộ độc xảy ra là do cách bảo quản thực phẩm trong 2 tủ đông gây phát sinh vi khuẩn lây nhiễm chéo.

“Ở vụ ông R ăn bánh mì trứng mà vẫn ngộ độc, ông Thông nói trứng không bị nhiễm khuẩn nhưng do lây nhiễm chéo các khâu chế biến.

Sắp tới tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu học tập mô hình quản lý thức ăn đường phố của TP Huế - địa phương du lịch và hiện đang thực hiện tốt. Chỉ đạo kiểm tra toàn bộ việc buôn bán thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh để có những giải pháp khắc phục...

Như PLO đã thông tin, các ca bị ngộ độc thực phẩm liên quan đến quán bánh mì Cô Ba Bến Đình ăn bánh mì thập cẩm gồm: thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, rau sống ăn kèm (hành lá, ngò rí) và nước sốt thịt heo.

Qua xét nghiệm mẫu thức ăn, các món trên đều nhiễm khuẩn Salmonella.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-diem-ban-thuc-an-duong-pho-o-vung-tau-se-duoc-quan-ly-qua-app-post822944.html
Zalo