Các địa phương tăng tốc xây dựng nhà ở xã hội
Ghi nhận trong thời gian qua, nhiều biện pháp tăng tốc xây dựng các dự án nhà ở xã hội đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo rất thiết thực. Tín hiệu này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong tương lai gần.

Kiểm tra dự án Khu nhà ở xã hội số 2 tại Khu số 5, số 9 thuộc Khu đô thị phía Nam (TP. phố Bắc Giang).
Theo Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2025-2030, tỉnh Bắc Giang được giao hoàn thành khoảng 69,8 nghìn căn hộ.
Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỉnh này mới chỉ triển khai được 14 dự án nhà ở xã hội, tổng số căn hộ dự kiến hình thành đạt khoảng 29 nghìn. Thực tế cũng chỉ mới có 2 dự án hoàn thành toàn bộ và 1 dự án có công trình nhà ở hoàn thành với tổng số 5.078 căn hộ (12 dự án còn lại vẫn đang triển khai thực hiện). Như vậy, Bắc Giang đang còn cách khá xa so với mục tiêu 69,8 nghìn căn hộ.
Ngay trong đầu tháng 4 (ngày 3/4), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh đã chủ trì làm việc kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước đó chỉ 2 ngày, Đoàn Công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bắc Giang về kiểm tra tình hình thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội tại địa phương này.
2 hoạt động gần như liên tục cho thấy sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của cả lãnh đạo Bộ và chính quyền địa phương với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp; trong đó, Bắc Giang đang được quan tâm khi liên tục phát triển công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn, dẫn đến nhu cầu về nhà ở với người lao động ngày càng tăng cao. Ngay trong năm 2025, Tỉnh này sẽ phấn đấu hoàn thành gần 5,6 nghìn căn hộ.
Ông Nguyễn Việt Oanh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo: Sở Xây dựng phải thường xuyên theo dõi, bám sát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án; tổng hợp báo cáo hàng tháng về UBND tỉnh, trong đó nêu rõ khó khăn, vướng mắc phát sinh, tổ chức hội nghị kiểm điểm để tháo gỡ kịp thời. Với các dự án đã được giao đất, cần khẩn trương đôn đốc chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ; tính toán phương án thực hiện thu hồi đối với dự án đã giao đất nhưng chậm đầu tư.
“Các sở, cơ quan, địa phương liên quan phối hợp tập trung nghiên cứu phương án giải pháp giải phóng mặt bằng các dự án trước, sau đó tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có năng lực tốt nhằm quyết tâm hoàn thành mục tiêu dự án nhà ở xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bắc Giang”, ông Oanh nhấn mạnh.
Tương tự Bắc Giang, địa phương kề bên là Bắc Ninh, các giải pháp đôn đốc thực hiện triển khai các dự án nhà ở xã hội cũng được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt.
Tại cuộc gặp mặt doanh nhân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, giai đoạn 2021- 2030, tỷ lệ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của tỉnh Bắc Ninh chiếm 7,2% tỷ lệ toàn quốc, quy mô như vậy là rất lớn so với địa bàn của tỉnh; Bắc Ninh đã đi trước các địa phương khác một bước trong phát triển nhà ở xã hội. Dự kiến các dự án đang triển khai hoàn thành trong năm 2026 sẽ tạo ra 49.500 căn, chiếm 68% trong tổng số 72.200 căn (chỉ tiêu đến năm 2030).
Ông Tuấn cũng chỉ đạo các địa phương đang có dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn tồn tại, yêu cầu xong trước ngày 5/4; tập trung cao điểm triển khai giải phóng mặt bằng đến ngày 30/5. Đối với 7 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư nhưng không có chủ trương đầu tư, yêu cầu sở Xây dựng phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư để đến ngày 15/4 có phụ lục hợp đồng.