Các địa phương siết chặt quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa phục vụ Tết
Các siêu thị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia chương trình bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên hàng trăm tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết cho người dân.
*Tại Vĩnh Long: Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Trần Nhựt Thanh cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm 2025, Sở vận động các siêu thị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 712 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết cho người dân.
Theo đó, tỉnh đã vận động 20 doanh nghiệp, hợp tác xã và 69 cơ sở, hộ kinh doanh tham gia chương trình bình ổn thị trường, với tổng lượng hàng hóa dự trữ đạt hơn 2.362 tấn, trị giá 265,3 tỷ đồng. Các mặt hàng tham gia bình ổn thị trường gồm: lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước); thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả).
Ngoài các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, các siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, siêu thị Winmart, hệ thống Bách Hóa Xanh (34 cửa hàng tiện lợi), hệ thống Winmart+ (8 cửa hàng tiện lợi), cửa hàng Hoa Sao, cửa hàng Co.op Food tham gia cung cấp hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của tỉnh với lượng hàng hóa dự trữ 203,3 tỷ đồng với các mặt hàng lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… để cung ứng cho dịp Tết.
Bên cạnh đó, 6 doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu đã chuẩn bị lượng dự trữ khoảng 11.460m3 xăng dầu, 15.500 bình gas, với tổng giá trị hơn 243 tỷ đồng. Mạng lưới phục vụ gồm 104 cửa hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong tháng Tết.
Ngoài ra, tiểu thương tại các chợ hạng I, hạng II trong tỉnh tham gia bán hàng bình ổn, dự trữ đủ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá. Hiện số lượng các điểm của các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long dịp Tết là 135 điểm, tăng 19 điểm so với năm trước. Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn trong tháng Tết tăng khoảng 15-20% so với tháng thường trong năm.
Ông Trần Nhựt Thanh cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo dõi tình hình diễn biến thị trường, giá cả, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Trong trường hợp thị trường có biến động bất thường, khan hiếm hàng hóa thì Sở Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc điều tiết hàng hóa từ nơi thừa sang nơi thiếu để đảm bảo ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhằm đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn thực phẩm, góp phẩn bảo vệ sức khỏe của người dân và cộng đồng xã hội. Đồng thời, tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, việc kinh doanh, vận chuyển thịt gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu trên thị trường… góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương đề nghị các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường tích cực dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu phát triển thêm điểm bán tại khu vực vùng nông thôn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động ở vùng nông thôn, khu công nghiệp. Sở khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ưu tiên hàng Việt Nam và bán với giá thấp hơn ít nhất 5% so với thị trường (trừ hàng do Nhà nước định giá).
Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, sản lượng nông, thủy sản sản xuất của tỉnh cung cấp cho dịp tết Nguyên đán 2025 khá dồi dào. Cụ thể, sản lượng lúa thu đông toàn tỉnh thu hoạch ước đạt 197.582 tấn, tương đương khoảng 98.791 tấn gạo và vụ lúa Đông Xuân dự kiến thu hoạch trước Tết Nguyên đán, ước sản lượng khoảng 6.030 tấn, tương đương khoảng 3.015 tấn gạo. Sản phẩm gia súc, gia cầm, gồm có hơn 182.300 con lợn; 75.150 con bò và hơn 11,3 triệu con gia cầm. Sản lượng thủy sản trên 17.400 tấn; rau các loại với sản lượng thu hoạch ước đạt 635.000 tấn.
*Tại Quảng Bình: Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, qua đó đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Tỉnh Quảng Bình yêu cầu sở Tài chính chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách… kịp thời tham mưu UBND tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định.
Đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Cục Hải quan Quảng Bình tăng cường công tác quản lý rủi ro, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các tuyến và địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn quản lý của đơn vị.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2024, hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế với việc không ngừng tăng lên của hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ; hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng, cung – cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt đã điều chỉnh thói quen mua sắm và cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết. Do đó, doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng nhằm thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn.
Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình, tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 51.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; trong đó, các nhóm tăng cao là nhóm lương thực, thực phẩm tăng 11,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 10,8%; nhóm may mặc tăng 12,3%.