Các địa phương giải ngân vốn ODA chỉ đạt 30,30%

Trong khi giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành mới đạt 39,06%, thì tại các địa phương, tình hình còn ì ạch hơn, khi 11 tháng đầu năm, chỉ đạt 30,30%.

Chiều 3/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị với các địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tính chung cả kế hoạch vốn cấp phát và cho vay lại thì có 53/63 địa phương được giao kế hoạch vốn 2024 (9 địa phương không được giao cả 2 kế hoạch vốn là: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, 1 địa phương là Nam Định giao kế hoạch vốn để ghi thu ghi chi).

Số kế hoạch vốn được giao cho các địa phương năm 2024 thấp hơn nhiều so với năm 2023 (chỉ bằng 70% kế hoạch vốn năm 2023), tương ứng số lượng dự án được giao kế hoạch vốn 2024 cũng chỉ bằng 58,3% năm 2023 (98/168 dự án).

Còn 5/53 địa phương chưa giải ngân đầu tư công nguồn vốn ODA.

Còn 5/53 địa phương chưa giải ngân đầu tư công nguồn vốn ODA.

Tính đến 30/11, số kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập Tabmis cho các dự án là hơn 21.123 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công ngân sách trung ương chiếm 93,71% kế hoạch vốn được giao, vốn vay lại chiếm 79,28% kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ nhập Tabmis vẫn chưa đạt 100% là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do một số địa phương không phân bổ chi tiết được kế hoạch vốn cho các dự án.

Về tiến độ giải ngân, lũy kế giải ngân vốn vay nước ngoài của các địa phương tính đến hết tháng 11 là 30,30%, trong đó đối với phần vốn đầu tư công của ngân sách trung ương là 3.218,8 tỷ đồng, chiếm 31,89% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, vốn vay lại là 4.298,37 tỷ đồng chỉ chiếm 29,22% kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ giải ngân chung cùng kỳ năm 2024 đang cao hơn so với năm 2023.

Trong số các địa phương đã thực hiện giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài, có 6/53 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% (Hòa Bình, Ninh Bình, Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận), 5/53 địa phương chưa giải ngân, con số này giảm với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 cũng có 6 địa phương chưa có giải ngân tính đến tháng 11/2023).

TP. Hà Nội đã giải ngân 37,2% kế hoạch vốn cấp phát và vay lại; TP Hồ Chí Minh đã giải ngân 14,54% kế hoạch vốn cấp phát và vay lại. Tỉnh Ninh Bình giải ngân 81,25% kế hoạch vốn cấp phát và vay lại; Thừa Thiên Huế giải ngân 75,75% kế hoạch vốn cấp phát và vay lại; tỉnh Bình Định giải ngân 65,29% kế hoạch vốn cấp phát và vay lại.

Các địa phương được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp là: tỉnh Bến Tre giải ngân 25,35%; tỉnh Bình Thuận giải ngân 10,1%; tỉnh Lâm Đồng giải ngân 0%.

Từ đầu năm tới nay, Bộ Tài chính đã nhận được 880 hồ sơ đề nghị rút vốn, trong đó đã ký đơn rút vốn 788/880 hồ sơ, trả lại 92/880 hồ sơ do chưa đủ điều kiện rút vốn, hiện không còn hồ sơ rút vốn tồn đọng. Thời gian xử lý đơn rút vốn đảm bảo đúng quy định.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/cac-dia-phuong-giai-ngan-von-oda-chi-dat-30-30--i752174/
Zalo