Các địa phương Gia Lai chủ động ứng phó bão số 3

Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra do ảnh hưởng của bão số 3, trong những ngày qua, các địa phương ở Gia Lai đã theo dõi diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời

Tại huyện Đức Cơ, để ứng phó với cơn bão Yagi (bão số 3), UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn chủ động công tác phòng-chống lụt bão. Trong đó, chú trọng khắc phục tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Theo đó, huyện yêu cầu các UBND các xã, thị trấn và các Công ty thuộc Binh đoàn 15 đang quản lý một số hồ đập cần thực hiện các giải pháp như: Phát dọn mái thượng, hạ lưu đập; đốn hạ các cây thân gỗ ở mái thượng, hạ lưu đập; phát dọn cửa vào và kênh xả sau tràn đảm bảo hành lang thoát lũ công trình; tổ chức cắm các biển cảnh báo người dân về phòng-chống tai nạn đuối nước.

 Các xã trên địa bàn huyện Đức Cơ bố trí lực lượng túc trực tại các điểm thường xuyên ngập cục bộ khi có mưa lớn. Ảnh: Hồng Thương

Các xã trên địa bàn huyện Đức Cơ bố trí lực lượng túc trực tại các điểm thường xuyên ngập cục bộ khi có mưa lớn. Ảnh: Hồng Thương

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-thông tin: Để kịp thời ứng phó với cơn bão Yagi, sáng 7-9, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thực tế công tác phòng-chống mưa lũ tại các xã, thị trấn. Đặc biệt, kiểm tra các khu vực xung yếu thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở vào mùa mưa. Qua kiểm tra thực tế, chỉ có khu vực cống làng Bua đoạn qua suối Ia Kriêng chảy qua bị ngập lụt do ảnh hưởng bởi mưa lớn vào rạng sáng ngày 6-9, hiện tại nước đã rút người dân đi lại an toàn. “ Hiện tại, để tiếp tục ứng phó với thời tiết xấu do ảnh hưởng mưa lớn của cơn bão Yagi có thể xảy ra hiện tượng ngập lụt, sạt lở đất, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, cảnh báo người dân tuyệt đối không vượt qua các khu vực sông, suối, ngầm tràn khi có mưa lớn. Thực hiện cắm biển báo để người dân biết và hạn chế đi lại tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt”- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ thông tin thêm.

Lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ kiểm tra các điểm xung yếu.Ảnh: Người dân cung cấp

Lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ kiểm tra các điểm xung yếu.Ảnh: Người dân cung cấp

Còn ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: Trước những dự báo, cảnh báo mưa lớn của cơ quan chuyên môn về ảnh hưởng của cơn bão số 3. Những ngày qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của huyện thường xuyên theo dõi lượng mưa trên địa bàn các xã, thị trấn để chủ động triển khai ứng phó khi có tình huống xấu có thể xảy ra. Đến thời điểm này, lượng mưa trên địa bàn huyện không lớn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để cảnh báo người dân ở những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, những ngầm tràn bị ngập nước thì không được đi lại khi có mưa lớn xuất hiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tại huyện Chư Pưh, ông Phạm Văn Thùy-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện- chia sẻ: Để ứng phó do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, ngày 7-9, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã có Công văn số 317/CV-NN về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với thời tiết xấu do ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, cập nhật thời tiết để triển khai ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, kiểm tra các khu vực xung yếu, vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất. Tổ chức lực lượng tại các ngầm tràn và khu vực có khả năng sạt lở đất hướng dẫn người dân đi lại an toàn.

Còn tại huyện Chư Sê, các lực lượng chức năng cũng đã cử cán bộ theo dõi, túc trực sát sao diễn biến đường đi của cơn bão số 3 cũng như tình hình thời tiết trên địa bàn huyện để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện mưa nhỏ, chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của mưa lớn, dông, lốc, sét do ảnh hưởng của cơn bão Yagi

Công ty Cổ phần Công trình đô thị Gia Lai cắt tỉa cây xanh. Ảnh: Hồng Thương

Công ty Cổ phần Công trình đô thị Gia Lai cắt tỉa cây xanh. Ảnh: Hồng Thương

Trong khi đó, khu vực các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam tỉnh, trong 2 ngày qua lượng mưa nhỏ, thời tiết nắng ráo. Dù vậy, các địa phương không chủ quan và theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo về những ảnh hưởng của cơn bão số 3 có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Quang Quốc-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho hay: Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết trên địa bàn để hướng dẫn người dân các xã, thị trấn chủ động ứng phó kịp thời khi xuất hiện mưa lớn hay gió mạnh. Đến trưa ngày 7-9 thời thời tiết trên địa bàn huyện mưa nhỏ, lượng mưa không đáng kể. Hiện giờ, chúng tôi vẫn phân công người trực để theo dõi chặt chẽ thời tiết trên địa bàn huyện trong những giờ tới.

Trong khi đó, ông Trần Minh Phương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: Sáng 7-9, UBND huyện đã ban hành văn bản số 1964/UBND-NN về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn trên địa bàn huyện. Theo đó, yêu cầu các phòng, ban, thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, UBND các xã và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”; đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình xả lũ của đập thủy điện An Khê-Ka Nát, công trình thủy lợi Ayun Hạ, thủy điện Đăk PiHao để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.

Mưa lớn trong những ngày qua khiến một số cánh đồng xã Chư Á( TP.Pleiku) bắt đầu ngập. Ảnh: Nguyễn Diệp

Mưa lớn trong những ngày qua khiến một số cánh đồng xã Chư Á( TP.Pleiku) bắt đầu ngập. Ảnh: Nguyễn Diệp

Để chuẩn bị các phương án ứng phó khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, ngày 7-9, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn hỏa tốc số 2072/UBND-NL về chủ động triển khai công tác ứng phó với thời tiết xấu trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng bão Yagi. Trong đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai một số nhiệm vụ như thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo theo phương châm “ bốn tại chỗ”. Tổ chức kiểm tra các khu vực xung yếu có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, các phương tiện truyền thông của tỉnh đưa tin, phát sóng kịp thời diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh để các cấp chính quyền và người dân biết chủ động ứng phó. Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo địa bàn phân công của Trưởng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, đôn đốc công tác ứng phó thiên tại địa phương được giao phụ trách.

NGUYỄN DIỆP-HỒNG THƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/cac-dia-phuong-gia-lai-chu-dong-ung-pho-bao-so-3-post291980.html
Zalo