Các địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn và ngập lụt, sạt lở đất

Tính đến trưa 16/11, mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã làm hai người chết, ba người mất tích ở các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; gần 18.000 ngôi nhà bị ngập ở nhiều địa phương.

Nhiều xã vùng trũng của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ngập sâu trong nước trong vài ngày qua. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Nhiều xã vùng trũng của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ngập sâu trong nước trong vài ngày qua. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại các địa phương, mưa lũ từ ngày 13-16/11 đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.

Tính đến trưa 16/11, mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã làm hai người chết, ba người mất tích (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế); 17.877 nhà ngập (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi). Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế còn ngập từ 0,3-0,6m.

Mưa lũ đã làm 34 nhà bị hư hại, tốc mái (Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 122ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị, Đà Nẵng) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống, 1.100 con gia súc, gia cầm, 2ha nuôi trồng thủy sản (Quảng Trị).

Mưa lớn kéo dài tại tỉnh Quảng Ngãi đã gây sạt lở nghiêm trọng trên đèo Violak qua địa bàn xã khiến giao thông trên Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum bị chia cắt.

Vụ sạt lở đất đá trên đèo Violak khiến đất đá từ trên đèo sạt lở vùi lấp mặt đường Quốc lộ 24 tại hai vị trí Km 63+350 và Km 64+400 qua thôn Làng Trui, xã Ba Tiêu. Cùng với sạt lở đất đá trên Quốc lộ 24 qua xã Ba Tiêu, mặt đường Quốc lộ 24 khu vực giáp ranh Quảng Ngãi và Kon Tum xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài.

Để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực, Ủy ban Nhân dân xã Ba Tiêu đã huy động lực lượng tổ chức chốt chặn ở gần khu vực xảy ra sạt lở, nứt đường, không cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực. Nhiều phương tiện lưu thông theo hướng từ thành phố Quảng Ngãi đi Kon Tum phải dừng lưu thông gây ùn tắc trên Quốc lộ 24.

Mưa lũ gây ngập và làm ách tắc tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, 49B, 49C (Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế); sạt lở taluy trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ: QL 9C (100m3), QL 9B, ĐT 558C (Quảng Bình); ĐT 601, QL 14G (Đà Nẵng); ĐT 628 (Quảng Ngãi).

Sáng 16/11, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã khắc phục xong điểm sạt lở do mưa lớn trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam).

Đội Cảnh sát Giao thông Số 2 đã cử cán bộ chiến sỹ điều tiết giao thông trên đường Hồ Chí Minh. Mực nước lũ trên Sông Hương và Sông Bồ của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã rút xuống dưới báo động 3, mưa nặng hạt đã ngớt dần.

Một số tuyến đường của thành phố Huế nước đã rút, người dân tại đây tranh thủ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa. Tại những khu vực nước rút, Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế tiến hành đóng điện trở lại phục vụ đời sống người dân. Các đơn vị chức năng đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Để tập trung ứng phó và khắc phục, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Công điện Số 1095/CĐ-TTg ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai, các Công văn Số 416/VPTT, 421/VPTT và 424/VPTT của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai về chủ động ứng phó với gió mùa Đông Bắc, gió mạnh trên biển và mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất và vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du lưu vực sông Hương.

 Sáng 16/11, nhiều tuyến đường ở thành phố Huế vẫn bị ngập trong nước. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Sáng 16/11, nhiều tuyến đường ở thành phố Huế vẫn bị ngập trong nước. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Nhận định về thời tiết trong những ngày tới, Trưởng Phòng Dự báo Thời tiết-Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết từ ngày 16-17/11, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Quảng Trị và từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Từ ngày 16-17/11, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có khả năng lên lại, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 2-báo động 3. Các sông ở Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ, trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1-báo động 2, có sông trên báo động 2.

Các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cảnh báo trước tình hình lũ trên các sông, cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Lũ trên các sông gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lon-va-ngap-lut-sat-lo-dat-post908178.vnp
Zalo