Các địa danh, di tích, di vật liên quan đến nhân vật Thục Phán và nước Nam Cương

Năm 1963, khi nhà nghiên cứu dân tộc học Lã Văn Lô phát hiện, dịch và công bố truyền thuyết 'Cẩu chủa cheng vùa' (Chín chúa tranh vua) là câu chuyện cổ rất phổ biến ở Cao Bằng, nhiều người đã điểm lại và chỉ ra nhiều địa danh, di tích được nhắc trong truyền thuyết đều có ở Cao Bằng và các tỉnh.

Truyền thuyết chỉ ra nhiều di tích, địa danh gắn liền với cuộc đua tài của các chúa đến nay vẫn còn, đó là những địa danh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong sinh hoạt đời sống của nhân dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn các di tích, di vật và địa danh liên quan đến nước Nam Cương của Thục Phán, đó là dấu vết của một tòa thành, dân gian gọi là thành Bản Phủ. Tương truyền đây là thành của Tục Pắn (Thục Phán), người đã giành chiến thắng được tôn làm vua nước Nam Cương sau cuộc đua tài “Cẩu chủa cheng vùa”.

Thành Bản Phủ. Theo truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”, Thục Chế làm vua nước Nam Cương (phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp Văn Lang), đóng đô ở Nam Bình (nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) nằm gần sông Bằng.

Kinh đô Nam Bình xưa của nước Nam Cương vẫn còn dấu tích khá rõ nét, gồm 2 vòng thành, tòa thành đã được ghi trong tập I cuốn Lịch sử Việt Nam, do Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn, được Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội Việt Nam xuất bản năm 2017, đó là: “Hiện tại, còn dấu vết của một tòa thành ở Cao Bằng, dân gian gọi là thành Bản Phủ. Tương truyền đây là thành của Tục Pắn (Thục Phán), người đã giành chiến thắng được tôn làm vua nước Nam Cương sau cuộc đua tài “Cẩu chủa cheng vùa”. Thành này có hai lớp tường thành đất bao bọc gợi ra truyền thống đắp thành Cổ Loa sau khi An Dương Vương rời Cao Bằng xuống đóng đô ở đồng bằng. Vị trí của thành Bản Phủ, Cao Bằng khá phù hợp với vị trí của Tây Âu ở thế kỷ III trước công nguyên, hoặc vị trí của huyện Tây Vu sau khi bị nhập vào Nam Việt rồi Tây Hán”.

Phía trước tòa thành là hồ sen (trước đây rộng 7 ha) và cánh đồng Cao Bình, tiếp là cánh đồng Tổng Chúp do cuộc đua tài của chúa Tiến Đạt chưa cấy hết (còn bằng cái nón) nên gọi là Tổng Chúp.

Cánh đồng Tổng Chúp, nay thuộc thành phố Cao Bằng. Tổng Chúp có nghĩa là cánh đồng nón. Dân gian có câu ca: “Lốc chả Phiêng Pha, Đăm nà Tổng Chúp” (Nhổ mạ Phiêng Pha/Cấy ruộng Tổng Chúp) nói về cuộc thi cấy lúa của chúa Hoàng Tiến Đạt trong truyền thuyết.

Truyền thuyết kể rằng, chúa Hoàng Tiến Đạt trổ tài làm ruộng. Mạ thì gieo tận cánh đồng Phiêng Pha (xã Mai Long, huyện Nguyên Bình ngày nay) cách thành Bản Phủ khoảng 100 km đem về cấy ở cánh đồng Tổng Chúp, gần thành Bản Phủ. Chúa cấy lúa sắp xong thì có cô gái đẹp xuất hiện, chúa mừng quá, ruộng cấy dở chỉ còn bằng cái nón là xong, nhưng chúa không kịp cấy mà lấy nón úp lại, đi theo cô gái… Từ đó gọi là cánh đồng Tổng Chúp, còn người dân xã Mai Long, huyện Nguyên Bình đến nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về chúa Hoàng Tiến Đạt đã dịch chuyển các ngọn núi, mở rộng cánh đồng và chặn dòng suối lấy nước gieo mạ... với những chi tiết ly kỳ, thú vị.

Đôi guốc đá. Được phát hiện ở Bản Thảnh, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Đôi guốc đá gắn liền với truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” nổi tiếng của người Tày. Đôi guốc đá là câu chuyện kể về chúa Lục Văn Thắng tham gia cuộc thi tài. Chúa đẽo đá làm guốc nhưng mắc mưu mỹ nhân kế của Thục Phán - An Dương Vương, nên không kịp đục lỗ để xâu quai. Đôi guốc đá là di tích Dolmel đầu tiên được phát hiện ở miền núi cực bắc nước ta có niên đại vào khoảng giai đoạn cuối văn hóa Đông Sơn và sơ kỳ đồ sắt, phù hợp với niên đại trong truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”.

Đồi thuyền - Khau Lừa. Theo truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa”, chúa Lương Ngọc Tặng trổ tài đóng một cỗ thuyền lớn mà thiên hạ chưa thấy bao giờ. Chúa hì hục làm ngày làm đêm. Khi làm gần xong thì có cô gái người đô thành làm chủ quán đến chào mời… chúa đi theo nhậu và say khướt. Khi chúa tỉnh rượu thì tiếng trống hết hạn đã vang lên, chúa không kịp hoàn thiện để lật thuyền lên: “Chiếc thuyền kia úp bỏ trên đồi/Mối ăn dần sau này mục nát/Biến thành núi cỏ tạp mọc lên/Núi Khau Lừa mang tên từ đó”.

Khau Lừa tức là đồi hình chiếc thuyền nằm úp. Khau Lừa thuộc xóm Nà Pja, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An ngày nay. Khi chúa Tặng làm thuyền rồng, các mảnh tước (tiếng Tày gọi là chắp cha) bắn ra vung vãi khắp cánh đồng gần Khau Lừa, biến thành những đàn cá tại các đám ruộng, nên về sau cánh đồng gần Khau Lừa được gọi là Nà Pja, một xóm dân cư tại đây được gọi là xóm Nà Pja.

Mỏ Sắt. Chúa Lâm Tuyền Thượng trổ tài nung gạch, nung vôi xây thành. Chúa làm nhanh, nhưng không ngờ lại có một cô gái xinh đẹp lại đến. Lời nàng chào mời nghe ngọt ngào, đôi mắt lúng liếng đưa thật điệu đàng. Chúa cười tít mắt rồi theo cô nàng. Sau đó chúa say rượu, chất củi vào nung gạch, do mệt và ngủ say. Khi tỉnh dậy, lò gạch đốt quá già, gạch hóa thành quặng sắt. Khu vực chúa nung vôi, gạch hóa thành quặng, đó chính là khu Mỏ Sắt, xã Dân Chủ, huyện Hòa An ngày nay.

Cây đa. Chúa Lý Kim Đán có tài bắn cung nỏ, dùng cung nỏ bắn rụng từng lá đa trên cây cổ thụ phía đông bắc kinh đô Nam Bình. Chưa bao lâu các cành đa chỉ còn sót lại vài lá đa. Chúa Kim Đán bỗng nghe tiếng lượn của cô gái hay tuyệt, cô gái chân bước dịu dàng tới. Chúa cười tít mắt, cùng nàng nói chuyện. Nàng rủ chúa đi... Mặt trời gác núi, nàng chia tay. Chúa quay về đến gốc đa, dây cung đã bị cắt đứt, không thể bắn tiếp để hết lá đa được, đúng lúc đó thì tiếng trống vang lên liên hồi. Chúa thất vọng ngồi ủ rũ dưới gốc đa, chịu thua cuộc, cây đa gần kinh thành nay vẫn còn và trở thành cây cổ thụ trong vùng.

Dốc Tổng Lằn. Là địa danh gắn với câu chuyện thi tài của chúa Nông Quang Thạc trong truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa", nay thuộc khu vực đèo Cao Bắc, giáp ranh tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Chúa Quang Thạc trổ tài đi mua trống, trên đường trở về, chúa thấy ngay trên đèo có một quán bán hàng. Cô chủ quán xinh xắn, miệng dẻo cất tiếng chào mời… Chúa nhậu thịt, rượu díp mắt lại. Cái trống treo cao bị cắt đứt dây, lăn xuống sườn dốc, vang ầm ầm như sấm động. Chúa Thạc giật mình, vùng dậy, trông theo cái trống lăn xuống dốc mà tiếc đứt ruột. Nơi cái trống lăn xuống dốc được gọi là Tổng Lằn (trống lăn). Khi trống lăn xuống suối thì trúng những hòn đá nên vỡ thành nhiều mảnh. Hiện nay còn nhiều hòn đá bằng phẳng do trống lăn xuống tạo thành: “Có sườn núi cao dốc/Tên gọi gốc Tổng Lằn/ Đó là nơi Quang Thạc/Ngày xưa mất trống rồng/Vì mắc lừa cung nữ”.

Núi thủng - Phja Pjót (Mắt thần núi), xã Cao Chương (Trùng Khánh). Ảnh Thế Vĩnh

Núi thủng - Phja Pjót (Mắt thần núi), xã Cao Chương (Trùng Khánh). Ảnh Thế Vĩnh

Núi thủng - Phja Pjót (Mắt thần núi), Ngườm Kim. Trong chín chúa dự thi thì chúa Trương Thiết Vận giỏi nghề rèn đúc nên thi mài lưỡi cày làm 100 chiếc kim. Chúa kiên nhẫn và khéo léo, làm suốt ngày không nghỉ. Khi kim gần hoàn thành, chỉ còn xỏ lỗ để xâu chỉ là xong, thì một cô gái xinh đẹp lại xuất hiện..., chúa đang cùng cô gái hàn huyên thì tiếng trống của Quang Thạc lăn xuống dốc kêu âm vang liên hồi, chúa họ Trương tưởng mình đã thua, không xâu lỗ kim nữa mà ném mạnh kim xuyên qua ngọn núi nằm ở xã Thái Cường, huyện Thạch An, gọi là Ngườm Kim (trong chiến sự tháng 2/1979 đã bị phá sập); một số kim bị ném mạnh bay qua hướng Trà Lĩnh, xuyên thủng ngọn núi gọi là Phja Píot (Mắt thần núi), nay thuộc xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh và xuyên thủng một ngọn núi ở xã Ngũ Lão, huyện Hòa An.

Những dấu tích, địa danh, di vật còn lại đến ngày nay là một di sản quý, nó phản ánh sức lao động bền bỉ, lớn lao, cũng như sự sáng tạo của ông cha ta trong buổi đầu dựng nước, chinh phục thiên nhiên. Đồng thời, những dấu tích đó góp phần khẳng định sự tồn tại của những nhân vật lịch sử tại Cao Bằng. Qua dấu tích giúp thế hệ sau biết được về lịch sử, văn hóa của con người thời cổ, vị thế của vùng đất Cao Bằng. Các dấu vết còn lại cũng góp phần khẳng định Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày văn hóa, lịch sử, có nhiều di sản quý gắn với thời kỳ Thục Phán - An Dương Vương.

Các địa danh đó không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của núi non mà còn mang vẻ đẹp của một khung cảnh hoang sơ, độc đáo lại được gắn với truyền thuyết lịch sử càng làm tăng thêm sự huyền ảo, hấp dẫn cho vùng đất và con người Cao Bằng, góp phần thu hút đông đảo khách du lịch gần, xa.

Hồng Viễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cac-dia-danh-di-tich-di-vat-lien-quan-den-nhan-vat-thuc-phan-va-nuoc-nam-cuong-3176438.html
Zalo