Các đảng phái tại Bulgaria bất đồng về nội các chia sẻ quyền lực
Có khả năng Bulgaria phải tiến hành bầu cử trước thời hạn do các cuộc đàm phán của hai đảng PP-DB và GERB-UDF không thể đi đến thống nhất về việc chia sẻ các chức vụ trong chính phủ mới.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Đông Âu, hai đảng chính trị lớn nhất của Bulgaria ngày 19/3 đã không đạt được thỏa thuận về nội các chia sẻ quyền lực mới.
Diễn biến này có thể khiến Bulgaria phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Ngày 5/3, Thủ tướng Nikolay Denkov, 61 tuổi, thuộc khối “Chúng ta tiếp tục thay đổi”-“Bulgaria Dân chủ” (PP-DB), đã từ chức để chuyển giao quyền lực cho chính trị gia Mariya Gabriel thuộc khối “Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria” (GERB-UDF).
Tuy nhiên, những cuộc đàm phán giữa hai bên đã không thể đi đến thống nhất về việc chia sẻ các chức vụ trong chính phủ mới.
Bà Gabriel, 44 tuổi, kiên quyết giữ các ghế Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Năng lượng cho GERB-UDF. Đáp lại, ông Denkov tuyên bố hành động này là “không thể chấp nhận được.”
Bất chấp những rắc rối, bà Gabriel ngày 19/3 vẫn đề xuất thành lập nội mới với hơn một nửa số ghế bộ trưởng thuộc về PP-DB trong khi GERB-UDF nắm ghế quốc phòng và năng lượng.
Theo bà Gabriel, hiện không phải thời điểm thích hợp để tiến hành cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, PP-DB khẳng định liên minh này chưa đồng ý về danh sách nội các.
Dự kiến, Quốc hội Bulgaria trong những ngày tới sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với danh sách nội các mới, song giới phân tích nhận định nhiều khả năng cuộc bỏ phiếu sẽ thất bại.
Nếu trường hợp này xảy ra, Tổng thống Rumen Radev sau đó sẽ yêu cầu PP-DB và một bên thứ ba thành lập nội các.
Bulgaria đã phải tiến hành tới 5 cuộc tổng tuyển cử trong 2 năm qua và mới chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị sau khi ông Denkov thành lập nội các chia sẻ quyền lực hồi tháng 6/2023.
Theo thỏa thuận, ông Denkov của khối PP-DB và bà Gabriel của khối GERB-UDF luân phiên làm Thủ tướng và Phó Thủ tướng trong thời gian 9 tháng.
GERB-UDF hiện có 69 ghế, trong khi PP-DB nắm giữ 63 ghế tại Quốc hội gồm 240 ghế của Bulgaria.
Bulgaria có quan điểm ủng hộ châu Âu một cách rõ ràng, đặc biệt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Các chính phủ lâm thời trước đây của Bulgaria từ chối gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng chính quyền mới đã chuyển giao đạn dược, tên lửa và xe bọc thép cho Kiev.
Bên cạnh đó, Chính phủ Bulgaria bắt đầu cải cách tư pháp nhằm tăng cường tính độc lập của các công tố viên trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Sofia cũng đã bắt đầu triển khai các biện pháp để có thể gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng mới có thể sẽ làm tiêu tan những hy vọng này và gây nguy hiểm cho nỗ lực của Bulgaria nhằm đưa vào sử dụng đồng euro từ năm 2025./.