Các dân tộc tỉnh Tuyên Quang hội nhập và phát triển bền vững

Sáng 9/9, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV đã diễn ra tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng đại hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng đại hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận và biểu dương những kết quả tỉnh Tuyên Quang đạt được trong công tác dân tộc thời gian qua. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế của địa phương, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024 - 2029.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo đại hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo đại hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên là tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới tư duy, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Địa phương tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại đại hội.

Bà Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại đại hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Kim Dung đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân để thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Đại hội thống nhất biểu quyết thông qua một số nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể nhiệm kỳ tới như: Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 10%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện đạt 50%; 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái. Đại hội thống nhất phấn đấu 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân; phấn đấu 90% xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...

Sau 5 năm thực hiện các nhiệm vụ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ III, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,6%/năm... Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương từng bước được củng cố, kiện toàn. Các chương trình, chính sách dân tộc và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai nghiêm túc. Đến nay, số xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa là 138 xã, đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99,9%. Trên địa bàn đã có 9 xã khu vực III, 8 xã khu vực II hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trở thành xã khu vực I. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng Bằng khen cho tập thể và các cá nhân.

Dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân; tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương cho 5 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 30 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua.

Tin, ảnh: Quang Cường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cac-dan-toc-tinh-tuyen-quang-hoi-nhap-va-phat-trien-ben-vung-20240909161645885.htm
Zalo