Các dân tộc thiểu số đoàn kết, năng động xây dựng quê hương Ngã Năm ngày càng phát triển

Thời gian qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của địa phương…

Thị xã Ngã Năm nằm ở phía Tây của tỉnh và cách trung tâm thành phố Sóc Trăng 60km. Toàn thị xã có dân số 81.115 người, với 19.567 hộ, trong đó dân tộc Khmer 5.382 người, chiếm 6,63%; dân tộc Hoa 812 người, chiếm 0,1%; dân tộc khác 24 người, chiếm 0,03%; còn lại là dân tộc Kinh. Kinh tế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nông nghiệp, số ít làm nghề kinh doanh, buôn bán. Với đức tính cần cù, chịu khó, đồng bào các DTTS trên địa bàn thị xã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, đóng góp sức người, sức của, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.

Phát triển các mô hình kinh tế trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: VĂN TÁ

Phát triển các mô hình kinh tế trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: VĂN TÁ

Có thể nói, trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sự tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, Đảng bộ, quân và dân thị xã Ngã Năm đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt nhiều kết quả nổi bật, đáng phấn khởi trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 13,8%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích bình quân đạt 164 triệu đồng/ha; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.930 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 5% (chỉ tiêu là 4 - 5%); đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào các DTTS trên địa bàn thị xã tích cực nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều mô hình hợp tác xã, cánh đồng lớn, trang trại, mô hình chăn nuôi hiệu quả; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp của đồng bào DTTS ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Song song đó, việc phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc đã được cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành đặc biệt quan tâm, nhất là cơ quan làm công tác dân tộc đã triển khai tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đại diện người có uy tín trong đồng bào DTTS, ông Danh Nhỏ, xã Mỹ Quới cho biết: “Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn xã thường xuyên tham gia cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách đối với đồng bào DTTS, thực hiện tốt vai trò giám sát các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư của Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS... Tích cực tham gia công tác vận động đồng bào DTTS phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ nét, trình độ dân trí được nâng lên. Ảnh: QUANG BÌNH

Đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ nét, trình độ dân trí được nâng lên. Ảnh: QUANG BÌNH

Khi cuộc sống đã dần ổn định, cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo trăn trở, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ nét, trình độ dân trí được nâng lên. Công tác giáo dục, đào tạo trong vùng đồng bào DTTS tiếp tục có bước phát triển mới, chất lượng dạy và học ngày càng đi vào chiều sâu. Cô Lý Thị Si Nưng, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Quới thuộc địa bàn ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Quới, là ấp đặc biệt khó khăn với đông đồng bào Khmer sinh sống chia sẻ: “Học sinh người DTTS đi học đúng tuổi. Với giải pháp chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh DTTS có tỷ lệ người biết chữ và giao tiếp ngày càng được cải thiện; môi trường học tập ở trường có nhiều khởi sắc, hoạt động giáo dục của nhà trường giúp học sinh DTTS đi học chuyên cần và tiếp cận nhanh, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học. Từ đó, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trách nhiệm công dân cho học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS cũng được nâng lên”.

Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển vùng nông thôn, vùng DTTS trên địa bàn thị xã Ngã Năm được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với số tiền đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng, công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS được thực hiện tốt, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân…

Đồng chí Kim Thái Phong - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho biết: “Kinh tế của thị xã hằng năm tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng; các cấp, các ngành quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho đồng bào DTTS. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư; điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học, chăm sóc sức khỏe, thông tin truyền thông cho nhân dân được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn thị xã luôn đoàn kết, sống hòa thuận với nhau, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực các phong trào ở địa phương. Chính sách đại đoàn kết dân tộc được phát huy có hiệu quả đã đóng góp hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương...”.

Có thể khẳng định rằng, trong 5 năm qua (2019 - 2024), bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thị xã Ngã Năm đã làm chuyển biến tích cực mọi mặt đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, nhất là nhân dân vùng đồng bào DTTS. Đây là tiền đề để thị xã tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trong giai đoạn 2024 - 2029.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thi-xa-nga-nam/cac-dan-toc-thieu-so-doan-ket-nang-dong-xay-dung-que-huong-nga-nam-ngay-cang-phat-trien-75311.html
Zalo