Các công ty Việt cần linh hoạt trước thuế quan mới

Các công ty Việt cần chủ động tái cấu trúc hoạt động sản xuất và kinh doanh để ứng phó với bối cảnh thuế quan mới.

Sáng nay 11-4, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ và tác động đến Việt Nam”.

Phát biểu đề dẫn cho buổi hội thảo, PGS.TS Ngô Hữu Phước, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì chính sách thuế của các quốc gia, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tác động đến nội bộ kinh tế Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng rất lớn kinh tế toàn cầu.

Chính sách thuế đối ứng, nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước trước các hành vi thương mại mà Hoa Kỳ xác định là không công bằng đang được Hoa Kỳ sử dụng như một công cụ trong chiến lược thương mại toàn cầu.

Điều này đặt ra những thách thức pháp lý, kinh tế và thương mại rất lớn đối với các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.

"Do đó, đây là dịp để chúng ta cùng nhau đánh giá, bình luận một cách khách quan, khoa học về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Đồng thời thảo luận về những tác động pháp lý, thương mại và kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt, cũng như đưa ra các định hướng, khuyến nghị chính sách phù hợp" - PGS.TS Ngô Hữu Phước phát biểu.

Tại hội thảo, ThS. LS Nguyễn Tiến Hòa, Công ty Luật ASL cho biết, 90 ngày tạm hoãn áp thuế là cơ hội để Việt Nam đàm phán. Với khả năng áp thuế vẫn còn, các công ty Việt cần chủ động tái cấu trúc sản xuất, đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại.

Các công ty Việt Nam phải đánh giá lại cấu trúc chi phí dự kiến cho hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chủ động đàm phán lại các điều khoản hợp đồng với đối tác và tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu tác động trực tiếp từ việc áp thuế cao.

"Đồng thời, các công ty Việt cần nhanh chóng thay đổi điều kiện giao dịch thương mại quốc tế, rà soát và điều chỉnh lại các điều khoản quan trọng như thuế quan, điều kiện giao hàng (Incoterms), giá cả và quy định về bất khả kháng (force majeure) để phù hợp với bối cảnh mới, cũng như chủ chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác " - ông Nguyễn Tiến Hòa khuyến nghị.

Theo ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, khu vực TP. HCM, (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương), để giảm thiểu tính tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các công ty Việt Nam cần triển khai một chiến lược toàn diện và dài hạn, tập trung vào việc củng cố nội lực và mở rộng thị trường.

Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường sử dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có trong nước. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia có nguy cơ bị áp thuế cao, mà còn ổn định chi phí sản xuất và nâng cao tính tự chủ của chuỗi cung ứng.

Để thực sự giảm thiểu tác động của thuế quan và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất.

Việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, mà còn tạo ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh trực tiếp về giá và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

"Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều khu vực kinh tế lớn trên thế giới.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các cam kết khác trong các FTA này để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Việc mở rộng sang các thị trường mới không chỉ giúp phân tán rủi ro mà còn khai thác các cơ hội tăng trưởng tiềm năng ở các khu vực khác trên thế giới" - ông Trần Ngọc Bình nói.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-cong-ty-viet-can-linh-hoat-truoc-thue-quan-moi-post843778.html
Zalo