Các công ty tài chính ra sao sau nhiều năm gặp 'chông gai'?

Chuyên gia dự báo thị trường tài chính tiêu dùng sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay bởi tăng trưởng kinh tế tích cực và dư địa cho vay mảng tiêu dùng còn rất lớn.

Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2010-2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đã giảm đáng kể trong vài năm gần đây do ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19. Đi kèm tác động này là tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng ghi nhận xu hướng gia tăng, đẩy các công ty tài chính tiêu dùng vào giai đoạn khó khăn.

Riêng năm 2023, dư nợ tín dụng ở các công ty tài chính đã ghi nhận tăng trưởng âm, nợ xấu đạt đỉnh 11% tổng dư nợ.

Cũng trong giai đoạn này, một loạt công ty tài chính ghi nhận lợi nhuận suy giảm, thậm chí lỗ nặng hàng nghìn tỷ đồng, chủ yếu do gánh nặng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Đến năm 2024, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính mới ghi nhận tăng trưởng dương trở lại, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ tính đến hết quý III/2024 cũng giảm về 9,6%.

Thị trường nhiều tiềm năng

Trải qua nhiều năm "chông gai" và chỉ mới phục hồi từ giữa năm 2024, các chuyên gia cho rằng tín dụng tiêu dùng vẫn là mảng kinh doanh hấp dẫn trong dài hạn tại thị trường Việt Nam. Minh chứng là đã có hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) gần đây.

Theo các chuyên gia từ FiinGroup, tỷ lệ thâm nhập của lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương, báo hiệu dư địa tăng trưởng còn dồi dào.

Đến cuối quý III/2024, dư nợ vay tiêu dùng (bao gồm cho vay mua nhà để ở) tại Việt Nam chỉ chiếm dưới 30% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan...

Hiện thị trường tài chính tiêu dùng trong nước đang chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các “ông lớn” như FE Credit, HD Saison, Home Credit, Mcredit cũng như các ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh lĩnh vực này.

Nói với Tri Thức - Znews, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, gồm lực lượng người tiêu dùng trẻ, xu hướng tăng trưởng kinh tế tốt và sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng.

 Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: NVCC.

Với GDP tăng trưởng 7,09% năm 2024, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.

Điều này đánh dấu bước tiến của Việt Nam trong việc gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Mục tiêu đạt GDP bình quân đầu người từ 10.000 USD trở lên trong tương lai có thể từng bước giúp Việt Nam vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Xu hướng này góp phần tăng cường đáng kể cơ hội đầu tư trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng dự báo thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc vào năm 2025 do nền kinh tế phục hồi, với tăng trưởng GDP theo kế hoạch được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình cải thiện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tài chính tiêu dùng.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu đi vay. Theo quy định mới, khách hàng sẽ không cần cung cấp phương án sử dụng vốn chi tiết với các khoản vay dưới 100 triệu đồng. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần chia sẻ thông tin cơ bản về mục đích vay và khả năng trả nợ.

Nhóm khách hàng “béo bở”

Dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang trong quá trình hồi phục sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng đã tác động không nhỏ tới khả năng tiêu dùng và vay vốn trong 2 năm qua. Nhiều công ty tài chính phải đối mặt với thua lỗ.

"Điều này là lý do chính khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại, nhìn thấy cơ hội và muốn nhanh chóng nhảy vào để chiếm lĩnh thị trường", ông Hiếu đánh giá.

Theo TS Hiếu, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện có thể chia làm 3 phân khúc khách hàng chính là người làm công ăn lương, người kinh doanh và người làm nghề tự do (bao gồm người nông dân).

Với nhóm người làm công ăn lương, đặc biệt những người đang làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... được coi là đối tượng khách hàng ổn định nhất đối với các công ty tài chính.

Đặc điểm của nhóm này là thu nhập đều đặn thông qua lương, thưởng hàng tháng, và xu hướng chi tiêu cũng khá ổn định. Đây chính là lý do khiến phân khúc này luôn là “miếng bánh ngon” mà nhiều công ty tài chính nhắm đến trong chiến lược mở rộng thị phần.

Trái lại, phân khúc những người kinh doanh, mặc dù đầy tiềm năng, lại thiếu tính ổn định do phụ thuộc nhiều vào biến động kinh tế và thị trường. Đặc biệt, những người kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, môi giới hay các ngành dịch vụ khác đã chịu nhiều tác động tiêu cực trong giai đoạn khó khăn gần đây.

Tuy nhiên, đối với các công ty tài chính có khả năng chấp nhận rủi ro và quản trị hiệu quả, đây là một cơ hội đáng xem xét nhờ tỷ suất lợi nhuận cao khi phục vụ nhóm khách hàng này.

 Nhóm khách hàng là người lao động làm công ăn lương, trong đó có cả công chức sẽ được các công ty tài chính đặc biệt quan tâm. Ảnh: MWG.

Nhóm khách hàng là người lao động làm công ăn lương, trong đó có cả công chức sẽ được các công ty tài chính đặc biệt quan tâm. Ảnh: MWG.

Nhóm cuối cùng là những người làm nghề tự do, trong đó có cả nhà nông. Phân khúc này có tính biến động lớn, đặc biệt là trong năm 2024 khi bão Yagi ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp tại miền Bắc.

Dù vậy, với sự phục hồi và ổn định kinh tế trong thời gian tới, đây là nhóm khách hàng tiềm năng mà các công ty tài chính có thể tiếp cận thông qua các chương trình hỗ trợ đặc thù.

"Trong năm nay và năm tới, việc cho vay đối với những người làm công ăn lương, trong đó có cả công chức, có thể là phân khúc thị trường tốt nhất cho các công ty tài chính", ông Hiếu nhận định.

Kiểm soát nợ xấu

Tuy vậy, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh việc quản lý rủi ro là bài toán lớn cần được các công ty tài chính lưu tâm. Nợ xấu trên thị trường tín dụng tiêu dùng đã tăng đáng kể trong giai đoạn hậu Covid-19. Các công ty tài chính cần xây dựng hệ thống kiểm soát hiệu quả hơn để hạn chế rủi ro, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tín dụng.

MBS cũng dự báo chất lượng tài sản của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ cải thiện vào năm 2025 nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi; các công ty tài chính tăng cường thực hành quản lý rủi ro và áp dụng các tiêu chí cho vay chặt chẽ hơn; và nhu cầu tín dụng mạnh hơn vào năm 2025.

Bên cạnh đó, ông Hiếu chỉ ra yếu tố không thể bỏ qua trong định hướng thị trường tài chính tiêu dùng năm 2025 là vị trí địa lý.

Với tiềm năng lớn, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút cả nhà đầu tư trong và ngoài nước

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu... là những khu vực trọng điểm với sức mua cao, tập trung đông đảo nhóm người làm công ăn lương và làm nghề tự do.

Những khu vực này không chỉ mang lại tiềm năng lớn về số lượng khách hàng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới.

Để tận dụng cơ hội này, việc đầu tư vào công nghệ số, cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua việc tối ưu hóa quy trình phê duyệt và giải ngân, đáp ứng nhanh nhu cầu tín dụng cho người dân là cần thiết.

“Với tiềm năng lớn, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công ty tài chính nào tận dụng tốt yếu tố địa lý, phân khúc khách hàng và xu hướng công nghệ sẽ là những người chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần đầy cạnh tranh này”, Tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-cong-ty-tai-chinh-ra-sao-sau-nhieu-nam-gap-chong-gai-post1525545.html
Zalo