Các công ty Nhật Bản thu về gần 8.000 tỷ yen từ bán cổ phần

Các công ty niêm yết của Nhật Bản hiện phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc sử dụng vốn hiệu quả bằng cách bán bớt tài sản ít lợi nhuận và tái đầu tư tiền thu được vào các lĩnh vực tăng trưởng.

Một cửa hàng của tập đoàn Eneos Holdings. Ảnh: Reuters

Một cửa hàng của tập đoàn Eneos Holdings. Ảnh: Reuters

Các công ty niêm yết của Nhật Bản đã kiếm được gần 8.000 tỷ yen (56 tỷ USD) từ việc bán cổ phần trong những công ty con và công ty liên kết trong ba năm qua, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi họ tìm cách sử dụng tiền của cổ đông hiệu quả hơn.

Con số này chỉ riêng trong năm tài chính vừa qua đã đạt khoảng 2.500 tỷ yen, đứng thứ ba sau năm tài chính 2018 và năm tài chính 2022, khi Toshiba bán phần lớn cổ phần trong năm 2008 và Hitachi và Marubeni bán cổ phần trong năm 2022. Các con số không bao gồm cổ phần chéo và chứng khoán ngắn hạn.

Tokyo Gas đã bán cổ phần trong bốn dự án khí hóa lỏng tự nhiên của Australia khi đánh giá danh mục tài sản để tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực tăng trưởng cao hơn như khử cacbon.

Tập đoàn năng lượng Eneos Holdings đã ghi nhận doanh thu khoảng 100 tỷ yen hàng năm từ các khoản thoái vốn như vậy trong ba năm qua, bao gồm việc bán cổ phần trong một mỏ đồng Chile. Công ty dự định sẽ chuyển giao hoạt động vận tải biển của mình cho Nippon Yusen vào năm tới.

Mitsubishi Corp. đã thu về khoảng 350 tỷ yen tiền mặt trong năm tài chính vừa qua nhờ việc thanh lý các khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Công ty này đã xác định khoảng 80 công ty để bán trong ba năm qua đến năm tài chính 2024 và đã bán hoặc đang dự định bán khoảng 50 trong số này tính đến cuối tháng 3/2024.

Xu hướng này có khả năng ngày càng tăng. Tập đoàn Hóa chất Mitsubishi đang chuẩn bị bán công ty dược phẩm Mitsubishi Tanabe Pharma, mặc dù quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các điều khoản. Công ty này cho biết đang "thúc đẩy cải cách danh mục đầu tư với tất cả các lựa chọn, bao gồm thoái vốn" cho tất cả các hoạt động kinh doanh của mình.

Các công ty niêm yết của Nhật Bản hiện phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc sử dụng vốn hiệu quả bằng cách bán bớt các tài sản ít lợi nhuận và tái đầu tư tiền thu được vào các lĩnh vực tăng trưởng hoặc trả lại cho cổ đông.

Theo người đồng phụ trách hoạt động ngân hàng đầu tư tại

Nhật Bản của Bank of America, Yuta Komori, hoạt động chào mua của các công ty nước ngoài đối với các công ty Nhật Bản có thể sẽ tăng tốc hơn nữa, với trọng tâm là các công ty đang có những thay đổi lớn về quản lý.

Sự gia tăng mạnh nhu cầu thâu tóm của các công ty nước ngoài diễn ra cùng lúc các công ty Nhật Bản đang thúc đẩy các nỗ lực tăng trưởng và sẵn sàng hợp tác với những công ty nước ngoài hơn.

Sự gia tăng số đề nghị mua lại cho thấy nỗ lực về pháp lý nhằm tăng cường quản trị doanh nghiệp cũng như sức hấp dẫn lớn hơn của các công ty Nhật Bản khi đồng yen yếu và việc kết thúc sở hữu chéo cổ phần doanh nghiệp.

Alimentation Couche-Tard của Canada ngày 19/8 cho biết đã tiếp cận công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven là Seven & i về khả năng thâu tóm theo thỏa thuận mua đứt lớn nhất đối với một công ty Nhật Bản.

Các thỏa thuận lớn khác là đề nghị mua của công ty quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Blackstone đối với nhà phân phối truyện tranh điện tử tư nhân Infocom và việc tập đoàn chứng khoán tư Carlyle của Mỹ muốn mua lại KFC Holdings Japan.

Số liệu của LSEG cho thấy, giá trị các thỏa thuận thâu tóm của nước ngoài đối với các công ty Nhật Bản trong nửa đầu năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 902,2 tỷ yen (6,2 tỷ USD).

Trong khi đó, các công ty niêm yết công khai của Nhật Bản đã bán một lượng kỷ lục 3.690 tỷ yen (25,4 tỷ USD) cổ phiếu sở hữu chéo trong năm tài chính 2023, một xu hướng được cho là sẽ thúc đẩy hiệu quả vốn của các công ty này, nhưng khiến họ dễ bị tấn công hơn.

Con số này đã tăng 86% so với năm trước và vượt mức kỷ lục trước đó là 2.220 tỷ yen từ năm tài chính 2021. Dữ liệu này được lấy từ báo cáo tài chính của hơn 2.000 công ty phi tài chính.

Nhiều công ty Nhật Bản đã tăng cường sở hữu cổ phiếu chéo với các khách hàng và công ty liên kết của mình. Việc này đã tạo ra một mạng lưới cổ đông ổn định và thân thiện. Sự hiện diện của các cổ đông này đã giúp các công ty Nhật Bản có được sự ổn định lớn hơn và giảm nguy cơ bị mua lại.

Mặc dù sở hữu cổ phiếu chéo có thể mang lại lợi ích như sự ổn định và bảo vệ khỏi việc bị mua lại, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã chỉ trích thực tế này vì cổ phiếu sỏ hữu chéo không nhất thiết tạo ra lợi nhuận. Sau khi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo khuyến nghị các công ty tập trung vào chi phí vốn và giá cổ phiếu, nhiều công ty đã bắt đầu giảm sở hữu cổ phiếu chéo của mình.

Số lượng cổ phiếu chiến lược như vậy đã giảm 9% xuống còn 26.789 cổ phiếu trong năm tài chính 2023.

Toyota Motor đã giảm sở hữu cổ phiếu chéo nhiều nhất trong số tất cả các công ty, với 325,9 tỷ yen. Các công ty nhóm của Toyota cũng nằm trong danh sách những công ty giảm sở hữu cổ phiếu chéo nhiều nhất, trong đó Toyota Industries cắt giảm cổ phiếu sở hữu chéo trị giá 240,1 tỷ yen, Denso là 125,8 tỷ yen và Aisin là 111,7 tỷ yen.

Tập đoàn Hitachi đã giảm sở hữu cổ phiếu chéo khoảng 222,8 tỷ yen, để tài trợ cho các danh mục đầu tư vào công nghệ và các lĩnh vực đang phát triển khác. Tập đoàn này trước đây có sở hữu cổ phiếu chéo rất lớn. Nhà sản xuất điện tử Mitsubishi Electric và tập đoàn công nghệ Fujitsu cũng đã giảm sở hữu cổ phiếu chéo của mình.

Một số công ty đang tìm cách mua lại cổ phiếu của chính mình. Tập đoàn vật liệu Toray Industries dự định giảm khoảng 50% cổ phiếu chiến lược của mình trong ba năm và chi 100 tỷ yen thu được để mua lại cổ phiếu của chính mình. Việc mua lại cổ phiếu có thể nâng cao lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, từ đó cải thiện các chỉ số tài chính quan trọng mà các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá hiệu suất của công ty.

Theo báo cáo của Nomura Securities, các công ty đã công bố kế hoạch bán thêm 2.000 tỷ yen cổ phiếu sở hữu chéo trong khoảng thời gian từ tháng 4-7/2024.

Một số công ty Nhật Bản, bao gồm

Toyota, Fuji Electric, Obayashi và Asics, đang tiếp tục giảm sở hữu cổ phiếu chéo của mình. Nhà sản xuất giày thể thao Asics thậm chí dự định hoàn toàn giải phóng các cổ phiếu này vào cuối năm 2024.

Nếu không có cổ phiếu sở hữu chéo, vốn hóa thị trường cao hơn sẽ là yếu tố chính để bảo vệ một công ty. Tổng cộng các cổ phiếu sở hữu chéo của các công ty phi tài chính lên tới khoảng 37.000 tỷ yen tính đến cuối tháng 3/2024 trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng kỷ lục. Việc bán chúng có thể giải phóng thêm nguồn lực cho các khoản đầu tư và lợi nhuận cho cổ đông.

Minh Hằng (Theo Reuters, Kyodo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-cong-ty-nhat-ban-thu-ve-gan-8-000-ty-yen-tu-ban-co-phan/347009.html
Zalo