Các cơ quan, trường học, đơn vị kinh tế, văn hóa, quân sự đóng tại Tuyên Quang
Việt Nam Thông tấn xã
Từ năm 1952 đến năm 1954, Việt Nam Thông tấn xã chuyển đến Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Việt Nam Thông tấn xã do ông Hoàng Tuấn làm Giám đốc.
Việt Nam Thông tấn xã có nhiệm vụ thu thập, thẩm định các nguồn thông tin, sưu tầm tư liệu phục vụ lãnh đạo; phát tin, bài cổ động nhân dân tham gia kháng chiến, viết bài bình luận giải thích chính sách. Ban Biên tập tin có tổ tin thế giới, xuất bản bản tin tham khảo tiếng Pháp.
Bộ phận Tư liệu lưu giữ văn kiện, báo cáo của Chính phủ. Bộ phận điện vụ, máy móc thô sơ, phải vượt nhiều khó khăn mới thu nhận tin được đầy đủ và kịp thời. Phòng thu tin cố gắng thu tin các đài TASS, AFP, Sài Gòn, mở rộng phạm vi nhận tin từ Liên khu 3, Liên khu 5, các đài lưu động từ các chiến trường.

Khu di tích thông tấn xã Việt Nam tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang..
Bộ phận điện ảnh - nhiếp ảnh do đồng chí Hồng Nghi phụ trách. Tổ liên lạc nhận tin từ các phóng viên đưa đến Ban Biên tập. Bản tin được in, chuyển trực tiếp đến Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đưa tới các báo, đài phát thanh.
Ngày 4-3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Việt Nam Thông tấn xã.
Sau hơn hai năm tại Hoàng Lâu, Việt Nam Thông tấn xã hình thành đủ cơ cấu tổ chức của một cơ quan thông tấn, có tin đối ngoại, tin trong nước, tin thế giới, tin phổ biến, tin tham khảo. Bộ phận điện vụ kỹ thuật, bộ phận in và phát hành (gồm liên lạc, đời sống, tư liệu). Phóng viên, kỹ thuật viên được phân công đi chiến dịch.
Năm 1952, Việt Nam Thông tấn xã lập phân xã Bắc Kinh, phân xã Băng Cốc, phân xã Răng Gun. Trong chiến dich Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Tuấn dẫn đầu tổ phóng viên và tổ nhiếp ảnh ra mặt trận. Đồng thời Việt Nam Thông tấn xã luôn giữ liên lạc vô tuyến với mặt trận, Ban Tuyên huấn mặt trận chuyển tin đến Bác Hồ, Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân.
Việt Nam Thông tấn xã còn cử phóng viên bên cạnh phái đoàn quân sự ta đàm phán với Bộ Tổng tham mưu quân Pháp tại Trung Giã và có mặt ở Hội nghị Pari.

Đoàn viên thanh niên TTXVN tại Khu di tích VNTTX tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Đài Tiếng nói Việt Nam
Ngày 7-4-1947, Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến thị xã Tuyên Quang. Mặc dù đường xa, thiết bị máy móc nhiều, đến 15 giờ ngày 7-4-1947, Đài đã phát được chương trình. Tháng 4-1947, Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Trong khi di chuyển Đài luôn có hai bộ phận thay nhau phát sóng khi cần, không để “Tiếng nói Việt Nam” bị gián đoạn.
Ông Trần Lâm làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập. Bộ phận Biên tập có các ông Trần Lâm, Hoài Thanh... Bộ máy tổ chức của Đài gồm: Bộ phận Tuyên truyền đối ngoại có các tổ biên tập tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc (gồm tiếng Bắc Kinh và tiếng Quảng Đông), tiếng Khmer, tiếng Lào; Bộ phận phát thanh viên; Bộ phận ca nhạc; Bộ phận bá âm; Bộ phận Vô tuyến điện.
Hằng ngày từ lúc 6h, Đài Tiếng nói Việt Nam mở đầu chương trình bằng bản tin tiếng Việt, sau đó là bản tin tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Trung Quốc, tiếng Khmer. Xen giữa các bản tin là những tiết mục ca nhạc do các nghệ sĩ của Đài trình bày trực tiếp trước máy phát sóng. Từ 9h đến 11h là bản tin thời sự đọc chậm. Máy phát sóng bi trục trặc trong khi vận chuyển các cán bộ kỹ thuật tìm tòi dựa vào địa hình, đặt ăng ten phát sóng ngắn và dùng nhiều làn sóng thích hợp từ 19m, 25m, 31m, 49 m và 63m phát cùng một lúc nên các nơi đều bắt được sóng tốt kể cả Nam Bộ và Thái Lan.
Là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn bám sát tình hình trong nước và quốc tế chuyển tải nội dung tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân trong nước và Việt kiều ở nước ngoài.
Từ tháng 12-1948 đến tháng 3-1949, Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến bản Giáng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn; từ tháng 4-1949 đến tháng 5-1953, chuyển đến làng Đung, xã Công Đa, huyện Yên Sơn.
(Còn nữa)