Các cơ chế đặc thù của Cần Thơ đã thực hiện ra sao?
Để phát triển đột phá, tạo động lực cho cả vùng, năm 2022, Thành phố Cần Thơ được Quốc hội cho phép thực hiện 6 cơ chế đặc thù, nhưng tới nay một số cơ chế chưa triển khai được trên thực tế, dự kiến phải điều chỉnh cho phù hợp.
UBND thành phố Cần Thơ vừa tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 16 của HĐND Thành phố, trong đó có thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Theo Nghị quyết 45, Cần Thơ được trao 6 cơ chế, chính sách về quản lý đất đai, quy hoạch, tài chính ngân sách, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho 2 dự án.
Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội trao cho TP. Cần Thơ thí điểm một số cơ chế đặc thù, nhưng tới nay gần 3 năm một số cơ chế chưa thực hiện được. Ảnh: CK
Về cơ chế để lại nguồn thu cho Cần Thơ đầu tư phát triển, UBND thành phố Cần Thơ cho biết, đã triển khai nhiều giải pháp quản lý và phát triển nguồn thu. Từ đó đảm bảo mục tiêu thu vượt dự toán ngân sách Trung ương giao, làm cơ sở Thành phố có thêm nguồn lực, nguồn vốn để lại thực hiện đầu tư các dự án quan trọng.
Đối với cơ chế vay (dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp): Năm 2024, số thu ngân sách Thành phố ước đạt gần 11.600 tỷ đồng, nên dự kiến tiếp tục vay nguồn ODA và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (gần 4.100 tỷ đồng) để thực hiện dự án. Số vốn vay dự kiến trên 35% hạn mức được vay.
Năm 2025, UBND thành phố Cần Thơ dự kiến vay ODA và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (gần 5.100 tỷ đồng) để tiếp tục đầu tư dự án quan trọng (bằng 44% hạn mức vay).
Với cơ chế đặc thù về thu phí, lệ phí, UBND thành phố Cần Thơ đang hoàn thiện đề án thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường kinh doanh và phí sử dụng mặt bằng công viên, quảng trường để tổ chức sự kiện, dịch vụ ngắn ngày vào mục đích kinh doanh.
Với chính sách đặc thù thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý, điều kiện là Cần Thơ phải tự cân đối ngân sách và đảm bảo các điều kiện khác có liên quan. Hiện Cần Thơ chưa đủ điều kiện để được hưởng, nên chưa triển khai.
Với Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, sẽ triển khai khi được phê duyệt.
Còn dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, UBND Thành phố đã phối hợp với bộ ngành xây dựng đề án, đã trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
UBND thành phố Cần Thơ đã phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu Chính phủ báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 45/2022/QH15, trình Quốc hội. Trên cơ sở đó, Thành phố kiến nghị sửa đổi, bổ sung thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn trong tình hình mới.