Các chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Novaland là ai?

Bên cạnh kết quả kinh doanh, một trong những điểm được giới đầu tư quan tâm ở BCTC quý II của Novaland là số nợ vay. Tại ngày 30/6, tổng nợ phải trả công ty ở mức 194.531 tỷ, giảm 0,8% so với số đầu kỳ.

Phối cảnh tổng thể dự án Aqua. Ảnh: Novaland.

Phối cảnh tổng thể dự án Aqua. Ảnh: Novaland.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (HoSE: NVL – Novaland) vừa công bố BCTC quý II/2024 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, doanh thu thuần Novaland đạt 1.549 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn, doanh nghiệp này lãi gộp 432 tỷ đồng. Quý II cũng ghi nhận Novaland phải trả 2.363 tỷ đồng chi phí tài chính, tăng mạnh so với mức 882 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do công ty ghi nhân lỗ từ việc chuyển nhượng công ty Huỳnh Gia Huy là 797 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí bán hàng cũng tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.

Tính ra, Novaland vẫn báo lãi ròng đạt 941 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 634 tỷ đồng của năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 9 quý vừa qua.

Lũy kế 6 tháng, Novaland ghi nhận doanh thu 2.246 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 374 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 1.000 tỷ của năm ngoái.

Một trong những điểm được giới đầu tư quan tâm nhất ở Novaland là con số nợ vay. Tại ngày 30/6/2024, tổng nợ phải trả công ty ở mức 194.531 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,8% so với số đầu kỳ. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn/dài hạn là hơn 59.215 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn mà công ty nắm giữ (gần 2.173 tỷ đồng tại ngày cuối quý II/2024).

Ảnh: Hữu Bật.

Ảnh: Hữu Bật.

Báo cáo cho thấy vay nợ ngắn hạn của Novaland giảm 438 tỷ đồng so với đầu năm (giảm 1,4%) nhưng vay nợ dài hạn lại tăng lên 1.942 tỷ đồng (tăng 7,25%).

Nhìn chung, các khoản vay ngắn/dài hạn của Novaland liên quan đến Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm hơn 18,3% tổng nợ vay tài chính.

Trong đó, Novaland vay ngắn hạn Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore số tiền 1.854,5 tỷ đồng. Khoản vay này có kỳ hạn 42 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất vay tính theo LIBOR cộng với biên độ 4,25%/năm và được trả định kỳ 6 tháng một lần. Khoản vay này được đảm bảo bằng tổng giá trị tài sản hình thành trong tương lai của một dự án tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, Novaland cũng ghi nhận vay ngắn hạn từ bên thứ ba với bên thu xếp tiếp tục là Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore, số nợ vay là 1.401 tỷ đồng. Lãi suất vay được tính theo lãi suất qua đêm có đảm bảo cộng với biên độ 5,76%/năm và được trả định kỳ 3 tháng một lần. Công ty phải trả thêm một khoản tiền đủ để đảm bảo cho bên cho vay nhận được IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ) mục tiêu là 11,5% năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng cổ phần của công ty sở hữu bởi các cổ đông.

Đó còn là số dư nợ trái phiếu 7.606 tỷ đồng, với Credit Suisse AG – chi nhánh Singapore là bên thu xếp và đại lý phát hành. Lô trái phiếu chuyển đổi này được huy động vào ngày 16/7/2021 cho các nhà đầu tư quốc tế do The bank of New York Mellon – chi nhánh London là đại lý ủy thác. Gói trái phiếu tổng giá trị 300 triệu USD với mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu, đáo hạn vào ngày 16/7/2026. Lãi trái phiếu là 5,25%/năm và lãi mua lại là 6%/năm. Trái phiếu không có tài sản đảm bảo và được chuyển đổi thành cổ phần NVL bắt đầu từ ngày tròn 41 ngày kể từ ngày phát hành cho đến ngày thứ 10 trước ngày đáo hạn.

Về phía các nhà băng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho Novaland vay ngắn hạn 1.500 tỷ đồng. Khoản vay có lãi suất kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, được đảm bảo bằng toàn bộ phần vốn góp của Novaland trong một công ty con, toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

MBB – chi nhánh Bắc Sài Gòn cho Novaland vay dài hạn với tổng giá trị gần 2.400 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng cấp vốn tín dụng cho Novaland là Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng Việt Nam (4 khoản vay với tổng giá trị là 2.455,5 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (2 khoản vay – 770 tỷ đồng)…

Đáng chú ý không kém là số dư nợ trái phiếu ngắn/dài hạn với tổng giá trị hơn 38.660 tỷ đồng. Trong đó, các khoản trái phiếu do các công ty chứng khoán làm đầu mối thu xếp phát hành, như Chứng khoán VPS (7.000 tỷ đồng), Chứng khoán MB (6.438 tỷ đồng), Chứng khoán dầu khí (5.892 tỷ đồng), Chứng khoán SSI (3.428 tỷ đồng).

Vừa qua, Novaland đã tổ chức buổi cập nhật tình hình tái cấu trúc và tiến độ phát triển dự án của tập đoàn. Ông Dương Văn Bắc – Giám đốc tài chính Novaland cho biết công ty dự kiến có kế hoạch trả hết các khoản nợ vay và trái phiếu từ quý I hoặc quý II/2026.

Cũng theo ông Bắc, Novaland từ nay đến ít nhất quý II/2025 sẽ không tập trung vào việc bán sản phẩm mới mà dồn mọi nguồn lực cho khâu hoàn thiện pháp lý đến bàn giao và thu tiền các sản phẩm đã bán. Đa phần các dự án đã triển khai của doanh nghiệp dự kiến ký hợp đồng mua bán từ cuối năm nay đến đầu năm sau. Tuy nhiên, cần có thời gian để dòng tiền đổ về và được ghi nhận.

Theo Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/bat-dong-san/cac-chu-no-lon-nhat-cua-tap-doan-novaland-la-ai-218819.html
Zalo