Các chính sách đặc thù của Hà Nội giúp người có công nâng cao mức sống

TP Hà Nội có gần 79.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Với mong muốn người có công và thân nhân người có công có mức sống bằng và cao hơn người dân nơi cư trú, Hà Nội đã trích ngân sách của TP thực hiện các chính sách đặc thù dành cho người có công.

Thiết thực chăm lo cho người có công và thân nhân

Những năm qua, bên cạnh việc chỉ đạo quận, huyện, thị xã thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các nghị định của Chính phủ về trợ cấp, phụ cấp cho đối tượng này, TP Hà Nội còn ban hành nhiều chính sách riêng có của Thủ đô để chăm lo đời sống người có công và thân nhân.

Khám, chăm sóc cho người bệnh tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Khám, chăm sóc cho người bệnh tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Ngày 8/12/2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Theo đó, Hà Nội đã trích ngân sách của TP thực hiện 4 chính sách đặc thù để cải thiện sức khỏe cũng như nâng cao mức sống cho người có công và thân nhân người có công.

Chính sách đặc thù thứ nhất là chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng thuộc đối tượng điều dưỡng 2 năm/ lần. Bắt đầu từ năm 2023, nếu trong năm người có công không thực hiện điều dưỡng theo chính sách T.Ư thì sẽ đi điều dưỡng theo chính sách đặc thù TP Hà Nội. Với quy định này, người có công và thân nhân liệt sĩ sẽ được hưởng chính sách điều dưỡng phục hồi sức khỏe 1 năm/ lần (1 năm đi điều dưỡng theo chính sách T.Ư và 1 năm thực hiện chính sách đặc thù của TP Hà Nội).

Chính sách đặc thù thứ hai: người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, còn được hỗ trợ khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người nên ai nấy đều phấn khởi.

Chính sách thứ ba: đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công TP, Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin TP thì được hỗ trợ tiền ăn mức 3.000.000 đồng/người; chi khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường) 500.000 đồng/người/tháng.

Chính sách thứ tư: TP Hà Nội còn có hỗ trợ tiền mai táng phí khi người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ trần. Mức chi hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm người có công với cách mạng và thân nhân người có công với các mạng từ trần.

Như vậy, với 4 chính sách đặc thù của Hà Nội không chỉ hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công nâng cao mức sống, cải thiện sức khỏe mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của lãnh đạo và người dân Thủ đô với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.

Người có công có mức sống bằng và cao hơn người dân nơi cư trú

Có thể khẳng định, với những chính sách đặc thù của TP Hà Nội đã góp phần hỗ trợ người có công và thân nhân cải thiện cả về sức khỏe thể chất và tinh thần rất lớn. Điều này thể hiện ở số lượng người đăng ký đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công tăng dần theo từng năm.

Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết: chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe và hỗ trợ khám sức khỏe 1.000.000 đồng của TP Hà Nội đã giúp mở rộng đối tượng tham gia. Năm 2022, quận Hà Đông chỉ có khoảng trên 300 người có công và thân nhân đi điều dưỡng tập trung nhưng sang năm 2023 tăng lên hơn 700 người. Và đến năm 2024, Hà Đông có 970 người có công và thân nhân đi điều dưỡng tập trung; tăng 3 lần so với ba năm trước.

“Chính sách đặc thù của Hà Nội dành cho người có công rất thiết thực và hiệu quả. Sau mỗi đợt đi điều dưỡng và được nhận 1 triệu đồng, tôi thấy tinh thần thoải mái, phấn khởi, sức khỏe cải thiện. Chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo TP và mong rằng tới đây Hà Nội có thêm chính sách hỗ trợ để cuộc sống của người có công tiếp tục được cải thiện hơn” - ông Nguyễn Đắc Tuyến - đối tượng Chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động 35% đến từ phường Phú Lãm, quận Hà Đông bộc bạch.

Ngoài những chính sách của Nhà nước, của TP Hà Nội dành cho người có công và thân nhân thì các quận, huyện, thị xã cũng tích cực triển khai phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống người có công tại địa phương. Để người có công và thân nhân được sống trong những ngôi nhà kiên cố, bảo đảm an toàn, hằng năm các quận, huyện, thị xã đều khảo sát, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà.

Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Gia Lâm Lê Thị Kim Châu cho biết: hằng năm, huyện Gia Lâm đều vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để thực hiện những nội dung chăm lo cho người có công và thân nhân, trong đó có hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. Trước đây, mỗi năm huyện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 15 - 25 hộ người có công nhưng sau đó giảm còn 15 - 20 hộ.

Riêng năm 2024, huyện hỗ trợ 15 hộ xây dựng, sửa chữa nhà, chứng tỏ đời sống của người có công được nâng lên bằng và cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, mỗi năm huyện tặng ít nhất 50 sổ tiết kiệm cho người có công, mức 5 triệu đồng/sổ. Ngoài ra, các xã, thị trấn cũng vận động quyên góp, ủng hộ và tặng người có công sổ tiết kiệm, mức tiền từ 1 - 3 triệu đồng/sổ.

Đối với quận Hà Đông, trong 5 năm vừa qua, từ nguồn xã hội hóa, quận đã thăm hỏi 22.300 lượt người có công và thân nhân; xây mới và sữa chữa 28 nhà cho người có công; tổ chức khám sức khỏe và tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho gần 15.000 lượt người. Từ nhiều năm nay, mỗi năm đến dịp 27/7, quận đều dùng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để tặng cho mỗi phường một trường hợp người có công khó khăn hoặc ốm đau, bệnh tật lâu ngày số tiết kiệm 10.000.000 đồng.

Đồng thời, quận cũng triển khai đến các phường tặng người có công sổ tiết kiệm, với mức tối thiểu 5.000.000 đồng/sổ. Tổng cộng từ năm 2021 - 2024, quận Hà Đông đã tặng 165 sổ Tiết kiệm tình nghĩa cho người có công có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau.

Với những chính sách của T.Ư, chính sách đặc thù của TP Hà Nội và sự quan tâm, chăm lo các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, đến nay, trên địa bàn Thủ đô cơ bản không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; qua đó đã góp phần bảo đảm an sinh, không để người có công và thân nhân nào bị bỏ lại phía sau.

Trong năm 2024, nhiều quận, huyện đã tổ chức Hội nghị gặp mặt kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hội nghị Gặp mặt người có công tiêu biểu, trong đó khen thưởng, tặng quà cho 339 đối tượng người có công và 406 tập thể cá nhân khác. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã tổ chức 186 đoàn đại biểu đi thăm, tặng quà 777 người có công và gia đình chính sách tiêu biểu với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Các quận, huyện, thị xã đã và đang tiếp tục phối hợp với những bệnh viện, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, trung tâm y tế để cấp thuốc và tặng quà cho trên 34.964 đối tượng chính sách người có công với kinh phí khoảng trên 8,7 tỷ đồng.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-chinh-sach-dac-thu-cua-ha-noi-giup-nguoi-co-cong-nang-cao-muc-song.html
Zalo