Các bộ, ngành giải ngân đầu tư công nguồn vay nước ngoài hơn 3.285 tỷ đồng
Đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2024 của các bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng.
Ngày 3/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024. Ông Hoàng Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chủ trì hội nghị.
Chỉ phê duyệt giảm hơn 1.129 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài
Theo ông Hoàng Hải, trong bối cảnh những ngày cuối cùng của năm 2024 chuẩn bị kết thúc, tại hội nghị lần này, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan trao đổi với 10 bộ, ngành được giao vốn đầu tư công nguồn nước ngoài cùng thực hiện rà soát lại tình hình giải ngân năm 2024, xác định rõ những vấn đề, vướng mắc có thể giải quyết dứt điểm được trong những tháng còn lại của năm 2024; đồng thời đưa ra một số định hướng, giải pháp để công tác giải ngân năm 2025 có thể được đẩy mạnh ngay từ đầu năm.
Báo cáo tại hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Vân – Trưởng phòng Quản lý dự án trung ương – Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, tính đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài điều chỉnh được giao của các bộ, ngành đạt 96,94% (hơn 8.153,9 tỷ đồng).
Trong đó, 7 bộ, ngành đã phân bố 100% kế hoạch vốn được giao (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), 2 bộ ngành phân bổ dưới 100% kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên - Môi trường), 1 bộ ngành chưa phân bổ (Bộ Y tế), như vậy có 257,417 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án.
Cũng theo bà Vân, từ đầu năm đến nay có 6 bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn năm 2024 với tổng số đề nghị trả lại là hơn 2.092,4 tỷ đồng (bao gồm cả số đã phân bổ chi tiết và số chưa phân bổ).
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị trả 819,14 tỷ đồng/1.334,14 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài; Bộ Công thương đề nghị trả lại toàn bộ 325,13 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị trả 37,38 tỷ đồng/37,78 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đề nghị trả 350 tỷ đồng/1.293,9 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề nghị trả 370 tỷ đồng/572,86 tỷ đồng, Bộ Y tế đề nghị trả toàn bộ 190,77 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài.
Tuy nhiên đến nay, Thủ tướng chính phủ chỉ phê duyệt giảm 1.129,11 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài, trong đó giảm toàn bộ kế hoạch vốn của Bộ Công thương và một phần kế hoạch vốn đề xuất trả của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các bộ, ngành giải ngân đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính luôn coi công tác giải ngân vốn đầu tư công trong và ngoài nước là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Việc đấy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công được Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm thông qua các nghị quyết, chỉ thị, công điện, với nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Bộ Tài chính cũng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành Tài chính thực hiện đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, bao gồm cả vốn vay nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc và trao đổi trực tiếp, trực tuyến với các cơ quan chủ quản và chủ dự án để rà soát, đôn đốc giải ngân; tổ chức đoàn đi thực địa các dự án để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong giải ngân.
Bộ Tài chính đã có nhiều cuộc họp, trao đổi với các nhà tài trợ về các vướng mắc của từng dự án. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với JICA và các chủ dự án trao đổi về việc giải ngân trực tuyến các khoản vay của JCA; hiện các cơ quan đang nghiên cứu tham gia ý kiến để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các thỏa thuận vay đang giải ngân để quy định về việc giải ngân trực tuyến... Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài chưa được như mong muốn.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài của các bộ, ngành 11 tháng đầu năm 2024 còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đòi hỏi các bộ, ngành và các chủ dự án cần triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành được nhiệm vụ giải ngân.
Theo ông Hoàng Hải cho biết, lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng kế hoạch 2024 của các bộ, ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, tương đương 3.285,7 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm 2024 nói trên gấp hơn 2 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2024 (16,62% kế hoạch vốn), tuy nhiên vẫn thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2023 (đạt khoảng 53,16% kế hoạch).
Có 2/10 bộ, ngành giải ngân trên 50% kế hoạch vốn: Bộ Tài nguyên - Môi trường (87,76%), Bộ Giao thông vận tải (58,35%). Có 4/10 bộ đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân thấp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (39,41%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (29,79%), Đại học Quốc gia Hà Nội (6,75%), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (6,82%).
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh
Như vậy, có đến 4/10 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Y tế).
Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã tiếp nhận 269 bộ hồ sơ rút vốn và đã xử lý 269 bộ.
Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã nêu ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, gồm:
Dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như chậm trong khâu đấu thầu, ký kết hợp đồng; hay dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay.
Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan đến sửa đổi Hiệp định vay. Các bên đã tổ chức trao đổi, tọa đàm nhưng vẫn cần tiếp tục xử lý.
Ngoài ra, công tác lập kế hoạch vốn chưa tốt: chưa bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án nên mặc dù bố trí vốn nhưng không thể phân bổ chi tiết kế hoạch và không giải ngân hết; có tình trạng các bộ, ngành đề xuất trả kế hoạch vốn ngay từ những tháng đầu năm.
Theo ông Hoàng Hải, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2024 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2024./.