Các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc xử lý vi phạm quảng cáo trực tuyến

Trả lời các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông chiều 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để xử lý vi phạm quảng cáo trực tuyến cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, từ năm 2023 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung thanh tra, kiểm tra, xử phạt hoạt động quảng cáo vi phạm trực tuyến; Bộ đã xử phạt 23 tổ chức, cá nhân. Kết quả thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm trên so với thực trạng hiện nay chưa tương xứng và đề nghị giải pháp xử lý vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua có nhiều hoạt động vi phạm trong vấn đề quảng cáo. Bộ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Nguồn lực cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, nhưng nếu tất cả các bộ, ngành, các địa phương đều tham gia xử lý quảng cáo trong lĩnh vực của mình, hiệu quả sẽ nhân lên nhiều lần, giúp giảm đi các quảng cáo sai sự thật.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức tập huấn cho cơ quan thanh tra, kiểm tra các bộ, ngành địa phương liên quan đến quảng cáo trên môi trường số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, giải pháp chính để hạn chế quảng cáo sai sự thật là cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý trên không gian mạng. Đơn cử, Bộ Y tế phải vào cuộc trong vấn đề quảng cáo sai sự thật đối với thuốc, thực phẩm chức năng; Bộ Công Thương phải vào cuộc để kiểm soát quảng cáo, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Hiện nay, về mặt thể chế thực thi, các bộ, ngành hoàn toàn có thể yêu cầu các nền tảng số, các mạng xã hội, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới thực thi pháp luật Việt Nam. Nếu các đơn vị này không tuân thủ, các bộ, ngành có đủ điều kiện, kỹ thuật, hạ tầng để ngăn chặn, khiến các nền tảng này ngừng hoạt động. Ở Việt Nam, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông nằm trong tay các doanh nghiệp Việt Nam, nên có đủ năng lực để xử lý các vấn đề trên không gian mạng.

HL/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cac-bo-nganh-dia-phuong-cung-vao-cuoc-xu-ly-vi-pham-quang-cao-truc-tuyen-20241112153709428.htm
Zalo