Các 'binh đoàn chuột' đang ngốn 27 tỷ USD của các thành phố tại Mỹ mỗi năm

Biến đổi khí hậu đang tạo ra một cuộc khủng hoảng chuột ở các thành phố lớn, với thiệt hại lên tới 27 tỷ USD mỗi năm tại Mỹ.

Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng đáng kể số lượng chuột tại các thành phố lớn, tạo thêm gánh nặng tài chính lên nền kinh tế đô thị. Nhiệt độ cao kéo dài giúp loài gặm nhấm này có thêm thời gian sinh sản, khiến các đô thị tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm để kiểm soát tình trạng này.

 Hình minh họa chuột cống tại Mỹ. Ảnh: Getty

Hình minh họa chuột cống tại Mỹ. Ảnh: Getty

Tại New York, nơi có lịch sử đối phó với chuột kéo dài hàng thế kỷ, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như siết chặt quy định xử lý rác, huy động lực lượng kiểm soát chuột tự nguyện và thậm chí thử nghiệm biện pháp kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy vấn đề này không chỉ giới hạn ở một thành phố mà đang trở thành bài toán kinh tế mang tính toàn cầu.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances tuần trước chỉ ra rằng, sự gia tăng nhiệt độ và mật độ dân cư đang khiến số lượng chuột tại các đô thị lớn trên thế giới bùng nổ. Xu hướng này có thể gây ra những tổn thất kinh tế lớn hơn trong tương lai khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao.

"Các thành phố càng ấm lên, số lượng chuột càng tăng nhanh, kéo theo chi phí kiểm soát cũng gia tăng", Jonathan Richardson, trợ lý giáo sư sinh học tại Đại học Richmond và là tác giả chính của nghiên cứu, nhận định trên Fortune.

Dữ liệu từ 16 đô thị lớn cho thấy, trong vòng một thập kỷ, số lượng chuột đã tăng mạnh tại 11 thành phố, đặc biệt là New York, Washington D.C. và Amsterdam. Những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư đông đúc và ít không gian xanh cũng ghi nhận mức độ gia tăng chuột đáng kể. Trong khi đó, chỉ có ba thành phố New Orleans, Louisville và Tokyo chứng kiến xu hướng giảm.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đô thị mà còn tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Tại Mỹ, chuột gây thiệt hại 27 tỷ USD mỗi năm, bao gồm chi phí sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng do bị cắn phá, tổn thất mùa màng và những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành y tế khi chúng là nguồn lây nhiễm của hơn 50 loại bệnh.

Các chuyên gia nhận định rằng nhiệt độ ấm hơn, đặc biệt trong mùa đông, đang tạo điều kiện để chuột sinh sản liên tục. "Chuột không ngủ đông, chỉ cần một vài ngày thời tiết thuận lợi, chúng có thể ra ngoài tìm kiếm thức ăn, tăng khả năng sống sót và sinh sản mạnh mẽ", Richardson giải thích.

Sự sinh sôi nhanh chóng này là nguyên nhân chính khiến các biện pháp kiểm soát chuột truyền thống kém hiệu quả. Một con chuột cái có thể đẻ hơn chục con mỗi tháng nếu điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, loài chuột còn được xếp vào nhóm động vật cộng sinh với con người, tận dụng rác thải và môi trường sống do đô thị tạo ra.

Nghiên cứu cho thấy, ngoài yếu tố nhiệt độ, mức độ đô thị hóa cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng số lượng chuột. Những khu vực có ít không gian xanh thường chứng kiến sự hoành hành mạnh mẽ của loài gặm nhấm này.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu tác động kinh tế của tình trạng này, các thành phố cần có chiến lược quản lý chủ động hơn. Thay vì tập trung vào các biện pháp diệt chuột truyền thống, chính quyền nên tập trung vào cải thiện điều kiện vệ sinh đô thị, hạn chế nguồn thức ăn và nơi trú ẩn của chuột. Một số sáng kiến như sử dụng thùng rác an toàn và giảm thời gian rác thải tồn tại trên đường phố của New York đã cho thấy hiệu quả tích cực.

"Vệ sinh môi trường là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược kiểm soát chuột. Nếu một kế hoạch quản lý không ưu tiên vấn đề này, chắc chắn sẽ thất bại", ông Richardson khẳng định.

Dũng Phan (Theo Fortune)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-binh-doan-chuot-dang-ngon-27-ty-usd-cua-cac-thanh-pho-tai-my-moi-nam-post333558.html
Zalo