Cả trường chỉ 1 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, hiệu trưởng lý giải nguyên nhân

Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, việc đánh giá sinh viên tại ngôi trường này rất khắc nghiệt. Không ai có thể can thiệp vào điểm số của sinh viên ngoài năng lực của chính các em.

Năm 2024, Trường Quản trị và Kinh doanh có 134 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 1 sinh viên xuất sắc, 30 sinh viên giỏi, còn lại xếp loại khá.

Lý giải nguyên nhân sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi của trường chiếm tỉ lệ thấp so với nhiều trường khác, PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, cho hay điều này là do các chương trình đào tạo của trường đều mang tính liên ngành, có tiêu chí khắt khe ở cả đầu vào lẫn đầu ra.

“Trong từng học phần cũng đều có chuẩn đầu ra gắn với chuẩn chương trình đào tạo. Sinh viên sau khi học xong phải được trang bị cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm”, ông Phi nói.

Trong đó, kỹ năng mềm bao gồm: kỹ năng quản trị thời gian cá nhân, giao tiếp cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, tìm kiếm thông tin, kỹ năng xây dựng các mối quan hệ...

Kỹ năng cứng chính là kỹ năng nghề nghiệp. Chẳng hạn trong chương trình Quản trị doanh nghiệp và công nghệ, có 5 kỹ năng nghề nghiệp sinh viên bắt buộc phải được trang bị bao gồm: sử dụng tiếng Anh học thuật theo đúng chuyên ngành; kỹ năng sử dụng luật pháp để giúp lãnh đạo doanh nghiệp đàm phán và biên soạn hợp đồng kinh tế bằng tiếng Việt, tiếng Anh; chuẩn lập trình cơ bản và ứng dụng; kỹ năng quản trị kinh doanh; kỹ năng tham gia và tổ chức các nhóm để thực hiện các thay đổi, đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp.

PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh

PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh

Ngoài ra, vì được học các môn chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh, từ năm thứ hai, sinh viên bắt buộc phải có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh B2 mới đủ điều kiện tiếp tục theo học.

“Nếu không đạt tiêu chuẩn này, các em buộc phải bảo lưu cho đến khi đủ điều kiện về ngoại ngữ mới được học tiếp. Song thực tế, đa số sinh viên trước khi vào trường đều đã đạt IELTS trên 5.0”, ông Phi nói.

Đến khi làm khóa luận tốt nghiệp, sinh viên cũng phải thực hiện và bảo vệ khóa luận hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Ông Phi khẳng định, việc đánh giá sinh viên bằng điểm số tại trường “rất công bằng, minh bạch, không có chuyện cho/xin điểm”.

“Không ai có thể can thiệp vào điểm số ngoài năng lực thực sự của chính sinh viên. Do đó, phần lớn sinh viên của trường đều tốt nghiệp loại khá; rất ít em xếp loại giỏi và xuất sắc”.

Sinh viên xuất sắc (đứng giữa) Trường Quản trị và Kinh doanh nhận bằng tốt nghiệp.

Sinh viên xuất sắc (đứng giữa) Trường Quản trị và Kinh doanh nhận bằng tốt nghiệp.

Dẫu vậy, hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh cho hay, dù sinh viên tốt nghiệp loại khá nhưng với các kỹ năng nghề nghiệp đã được trang bị trong trường, các em không sợ thất nghiệp.

“Trong suốt 4 năm theo học tại trường, nhà trường cũng rất chú trọng đến việc phát triển trí tuệ cảm xúc của mỗi sinh viên. Trí tuệ cảm xúc sẽ giúp các em có thể giao tiếp tốt, biết kìm chế cảm xúc của bản thân, biết đánh giá chất lượng của đối tác, đối thủ cạnh tranh và biết ứng xử thông minh trong các trường hợp cần sự khéo léo...

Cũng nhờ những điều này, hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều không cần đến sự hỗ trợ việc làm từ nhà trường, bởi thực tế các em đã có rất nhiều lựa chọn”, PGS.TS Hoàng Đình Phi chia sẻ.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chi-co-1-sinh-vien-tot-nghiep-xuat-sac-hieu-truong-ly-giai-su-khac-nghiet-2324874.html
Zalo