Cá trong lờ đỏ hoe con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô

6 mùa liên tiếp gần đây, mùa nào Giải hạng Nhất cũng có đội bỏ giải. Năm 2021 là Tây Ninh, Gia Định; năm 2022: An Giang, Tây Ninh; năm 2023: Cần Thơ, Sài Gòn FC; mùa giải 2023-2024 là Bình Thuận và mùa giải 2024-2025 là Định Hướng Phú Nhuận.

Tấm vé thăng hạng còn nóng tay thì đội Định Hướng Phú Nhuận đã từ bỏ.

Tấm vé thăng hạng còn nóng tay thì đội Định Hướng Phú Nhuận đã từ bỏ.

Trước đó là Đồng Nai, Phú Yên (năm 2017); Bình Định (năm 2014); Trẻ SHB.Đà Nẵng, Trẻ Hà Nội (năm 2013); Tiền Giang, Sài Gòn United, Quảng Ngãi… Thậm chí, mùa này đã có lúc Giải hạng Nhất đứng trước nguy cơ chỉ còn 7 đội, khiến VPF phải 2 lần dời lễ bốc thăm và ngày khai mạc. Tất cả cùng vì lý do tài chính.

Nếu khác biệt giữa Giải hạng Nhất với V.League trên lý thuyết là khoản chênh lệch kinh phí hoạt động tối thiểu 20 tỷ đồng/năm (Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp năm 2023 quy định đội hạng Nhất là 15 tỷ đồng, V.League 35 tỷ đồng) thì giữa Giải hạng Nhì với hạng Nhất là bóng đá phong trào với chuyên nghiệp. Lên chuyên, đội bóng phải thành lập doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, hầu hết các đội hạng Nhất không nghĩ đến V.League, mà chỉ đá cốt để giữ hạng, duy trì đội. Đặc biệt, đã xảy ra nhiều cảnh trớ trêu.

Ở vòng chung kết Giải hạng Nhì năm 2022, trong trận play-off với Vĩnh Phúc, đội Bình Thuận có cuộc ngược dòng đầy cảm xúc và thắng nghẹt thở 8-7 ở loạt sút luân lưu 11m, đoạt vé thăng hạng trong niềm vui òa vỡ. Lễ đón đội và mừng công sau 28 năm mới trở lại chuyên nghiệp được tổ chức rình rang. Nhưng rồi người hâm mộ Bình Thuận nhanh chóng tiu nghỉu khi đội nhà xin từ bỏ thành quả phải khó khăn lắm mới giành được.

Đó cũng là trường hợp của đội Gia Định, mà nhờ vậy CAND mới được thay suất để rồi vô địch Giải hạng Nhất 2022 và đoạt luôn chức vô địch V.League ngay mùa đầu tiên thăng hạng.

Trong chán ngoài thèm, trong khi con cá trong lờ đỏ hoe con mắt thì con cá ngoài lờ lại ngúc ngắc muốn vô. Giải hạng Nhì 2024 xuất hiện cái tên mới tinh nhưng lập tức gây chú ý: Bắc Ninh FC. Ngày ra mắt của đội bóng kinh Bắc rầm rộ với ông Park Hang-seo đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao cùng slogan “Bắc Ninh FC vững mạnh trên bản đồ bóng đá Việt Nam và có quy mô trên toàn cầu”. Đứng sau là một đại gia kín tiếng của địa phương, nhà tài trợ hứa sẽ đầu tư 10 triệu USD/năm (khoảng 245 tỷ đồng), gấp nhiều lần một đội V.League. Nếu lên hạng Nhất ngay mùa đầu tiên, Bắc Ninh FC sẽ nhận khoản tiền thưởng không dưới 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại gia mới ở Giải hạng Nhì đã sớm nếm trái đắng khi thất bại trong trận play-off thăng hạng với Trẻ TP.HCM. Đau hơn, đội bóng “trăm tỷ” đầy khát khao lên chuyên thì không được, trong khi đội bóng chỉ có tiền chơi phong trào Định Hướng Phú Nhuận (cùng giành quyền thăng hạng với Trẻ TP.HCM) lại từ bỏ tấm vé lên chuyên vì không kham nổi kinh phí.

Và mùa này thêm đội Quảng Ninh. 3 năm sau khi đội bóng V.League Than QN giải thể vì “phá sản”, bóng đá đất mỏ bắt đầu lại từ Giải hạng Ba. Đội bóng đã “chiêu mộ” Giám đốc Kỹ thuật Trần Minh Chiến; huấn luyện viên trưởng Nguyễn Văn Đàn (HAGL, Phù Đổng Ninh Bình), huấn luyện viên thủ môn Võ Văn Hạnh và đóng quân ở khu đô thị hiện đại bậc nhất thành phố Hạ Long. Sẽ không khó để Quảng Ninh FC lên hạng Nhì ngay mùa đầu tiên ra mắt khi Giải hạng Ba 2024 có 16 đội tham dự thì có đến 5 suất thăng hạng. Quảng Ninh FC dựa trên sự góp sức của nhiều cá nhân.

Việc có thêm các doanh nghiệp mới đầu tư vào bóng đá là điều đáng mừng. Tuy nhiên, chỉ lo “bạo phát bạo tàn”. Bóng đá Việt Nam đã chứng kiến không ít đội bóng càng đến nhanh thì ra đi càng nhanh.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202410/ca-trong-lo-do-hoe-con-mat-ca-ngoai-lo-nguc-ngac-muon-vo-6dc0492/
Zalo