Ca 'siêu phẫu' cắt 3 mét ruột non cứu người đàn ông mắc bệnh hiếm

Trong cuộc mổ 'sinh tử' kéo dài gần 12 giờ, bác sĩ từ nhiều chuyên khoa phối hợp cứu sống người đàn ông bị chảy máu tiêu hóa nhiều, không thể cầm máu.

 Các bác sĩ thăm bệnh nhân sau khi hồi phục. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ thăm bệnh nhân sau khi hồi phục. Ảnh: BVCC.

Ngày 14/1, bác sĩ Võ Hồng Minh Công, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết các bác sĩ tại đây vừa cứu sống một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa nặng do loạt bệnh lý phức tạp, bao gồm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dị dạng động - tĩnh mạch ruột, chuyển dạng xoang hang và huyết khối tĩnh mạch cửa mạn tính. Đặc biệt, đây là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, chỉ được ghi nhận vài ca tương tự trên thế giới.

Bệnh nhân là anh Q.P.T. (37 tuổi, Cà Mau), từng được chẩn đoán tắc tĩnh mạch cửa - hệ thống tĩnh mạch dẫn lưu máu từ ruột về gan - do huyết khối vào năm 2021. Mặc dù đã được điều trị bằng thuốc chống đông máu trong 6 tháng, tình trạng bệnh không được kiểm soát và diễn tiến nặng hơn.

Chạy đua với "tử thần"

Sáng 14/12/2024, trong chuyến công tác tại TP.HCM, anh T. bất ngờ bị đau bụng dữ dội quanh rốn, đi tiêu ra lượng lớn máu đỏ, kèm theo chóng mặt, cảm giác sắp ngất. Anh được gia đình khẩn trương đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, huyết áp tụt và ý thức lơ mơ.

 Các bác sĩ hội chẩn nhanh, chẩn đoán tình trạng bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ hội chẩn nhanh, chẩn đoán tình trạng bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Tại đây, các bác sĩ lập tức tiến hành hồi sức chống sốc mất máu và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân chảy máu tiêu hóa. Kết quả chụp CT Scan bụng cho thấy anh T. bị tắc mạn tính tĩnh mạch cửa, dẫn đến chuyển dạng xoang hang - tình trạng tái cấu trúc giãn lớn hệ thống mạch máu vùng rốn gan. Đây là nguyên nhân chính gây chảy máu tiêu hóa, kết hợp với dị dạng và thông nối động - tĩnh mạch ruột lan tỏa, khiến các nhánh tĩnh mạch mạc treo ruột giãn to bất thường.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Lý, Phó khoa Nội Tiêu hóa, giải thích rằng tắc tĩnh mạch cửa gây cản trở máu từ ruột trở về gan, khiến máu bị ứ lại ở ruột, lâu ngày dẫn đến giãn và tăng áp lực trong hệ tĩnh mạch cửa.

Khi tình trạng này đi kèm với dị dạng động - tĩnh mạch ruột, tuần hoàn hệ ruột bị rối loạn nghiêm trọng, dễ gây viêm loét, xuất huyết tiêu hóa và các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh.

Sau khi tiêm thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa và thực hiện nội soi đường tiêu hóa dưới để cầm máu tại chỗ, huyết áp của anh T. tạm thời ổn định. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 48 giờ sau đó, tình trạng chảy máu tiêu hóa tái phát, khiến huyết áp anh tụt trở lại dù đã được truyền máu tích cực để ổn định hemoglobin và điều chỉnh rối loạn đông máu.

 Tình trạng của bệnh nhân được đánh giá hiếm gặp, chỉ được ghi nhận vài ca tương tự trên y văn thế giới, đòi hỏi bác sĩ hội chẩn toàn diện để xây dựng chiến lược xử trí tối ưu. Ảnh: BVCC.

Tình trạng của bệnh nhân được đánh giá hiếm gặp, chỉ được ghi nhận vài ca tương tự trên y văn thế giới, đòi hỏi bác sĩ hội chẩn toàn diện để xây dựng chiến lược xử trí tối ưu. Ảnh: BVCC.

Trong bối cảnh khẩn cấp này, các bác sĩ tiến hành hội chẩn toàn diện để xây dựng chiến lược xử trí tối ưu. Mục tiêu không chỉ là kiểm soát triệt để nguyên nhân gây chảy máu mà còn đảm bảo điều trị chống đông máu sớm trong chu phẫu nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái phát chảy máu do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Sau khi đánh giá đây là một ca bệnh cực kỳ hiếm gặp, chỉ mới được y văn thế giới ghi nhận với vài trường hợp lâm sàng, ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định quyết định thực hiện phẫu thuật khẩn cấp liên chuyên khoa. Cuộc mổ được triển khai liên tục với sự tham gia của 4 kíp mổ phối hợp chặt chẽ để xử trí tình trạng nguy kịch của người bệnh.

Ca "siêu phẫu" kéo dài 12 giờ

Bác sĩ chuyên khoa II Vũ Ngọc Sơn, Trưởng kíp phẫu thuật Tiêu hóa, chia sẻ rằng trong hơn 30 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên ông điều trị một ca bệnh hiếm gặp như vậy. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 giờ liên tục, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và mức độ tập trung cao từ ê-kíp phẫu thuật.

Quy trình phẫu thuật phức tạp

Trước tiên, các bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa tiến hành mở bụng, bộc lộ vị trí dị dạng mạch máu để tạo điều kiện cho bác sĩ X-quang can thiệp làm tắc đoạn tĩnh mạch dị dạng, giúp giảm áp lực hệ tĩnh mạch cửa và kiểm soát mất máu tốt hơn.

Sau đó, bác sĩ phẫu thuật mạch máu thực hiện tạo cầu nối từ hệ tĩnh mạch cửa sang hệ tĩnh mạch chủ để giảm áp lực tối đa trong hệ tĩnh mạch cửa.

Cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa tiến hành cắt bỏ gần 3 mét ruột non chứa dị dạng mạch máu và nối ghép phần ruột còn lại nhằm phục hồi lưu thông ruột, ngăn ngừa chảy máu tái phát.

"Người bệnh phải trải qua 3 ca đại phẫu trong một cuộc mổ, kéo dài tới 12 giờ. Trong khi đó, một ca đại phẫu thông thường chỉ kéo dài khoảng 3 giờ. Đây thực sự là một ca siêu phẫu", bác sĩ Sơn nhận định.

 Nam bệnh nhân 37 tuổi hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật kéo dài tới 12 giờ. Ảnh: BVCC.

Nam bệnh nhân 37 tuổi hồi phục sức khỏe sau ca phẫu thuật kéo dài tới 12 giờ. Ảnh: BVCC.

Chăm sóc hậu phẫu đầy thách thức

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Kim Hoa, khoa Hồi sức Tim mạch, cho biết giai đoạn hậu phẫu cũng không kém phần gian nan. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để tránh nguy cơ chảy máu tái phát hoặc hình thành cục máu đông. Đồng thời, việc mất 3 mét ruột non khiến chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân phải được điều chỉnh đặc biệt. Các bác sĩ dinh dưỡng đã tính toán kỹ lưỡng loại thực phẩm và phương pháp chế biến để đảm bảo người bệnh hấp thu đủ dưỡng chất, tránh suy mòn hoặc suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Sau hai tuần phẫu thuật, anh T. đã hồi phục chức năng tiêu hóa gần như bình thường, không còn tình trạng chảy máu tiêu hóa và ổn định với thuốc chống đông máu.

Bác sĩ Kim Lý lưu ý rằng bệnh nhân cần được theo dõi dài hạn và đánh giá định kỳ để đảm bảo hiệu quả điều trị các dị dạng mạch máu ruột kết hợp tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ca-sieu-phau-cat-3-met-ruot-non-cuu-nguoi-dan-ong-mac-benh-hiem-post1524789.html
Zalo